Nơi bà Li (67 tuổi) gọi là "nhà" thực chất là một tòa chung cư chưa hoàn thiện, thường được gọi là "rotten-tail building" (tạm dịch: nhà cụt đuôi) ở Trung Quốc, theo South China Morning Post.

Không có điện, nước máy, hệ thống thoát nước và thang máy không hoạt động nên người dân sống trong những tòa nhà này gặp vô số bất tiện.

Hiện có hơn 300 gia đình sống tại 4 trong số 13 tòa nhà cụt đuôi ở Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây, miền Trung Trung Quốc.

Hầu hết chủ nhà mua căn hộ vào năm 2013. Việc xây dựng bị tạm dừng vào năm 2016 khi chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính. Đến năm 2018, chủ đầu tư tuyên bố phá sản. Dự án vẫn chưa hoàn thành sau nhiều năm.

Cuộc sống thiếu thốn, bất tiện trong những chung cư chưa hoàn thiện ở Trung Quốc.

Không điện, không nước

Để thắp sáng căn hộ của mình, con dâu của bà Li đã mua một chiếc đèn chạy bằng năng lượng mặt trời. Họ sử dụng một bếp ga nhỏ để nấu ăn và lấy nước sinh hoạt từ tầng trệt 2-3 lần/ngày.

"Ban đêm, khi trời lạnh, chúng tôi mặc nguyên quần áo dày đi ngủ. Hiện chúng tôi không có yêu cầu gì nhiều, chỉ hy vọng có điện và nước sinh hoạt là đã vui lắm rồi", bà Li nói.

Sau khi kết hôn, Li Ke đã chi khoảng 500.000 nhân dân tệ (75.600 USD) để mua một căn hộ rộng 94 m2 trong chung cư. Tuy nhiên, con gái anh năm nay đã 6 tuổi và tòa nhà vẫn chưa hoàn thiện.

"Chúng tôi kiến nghị với chính quyền quận vài lần mỗi tháng nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi rõ ràng", Li kể.

Li Ke mua căn hộ khi mới kết hôn và giờ con gái anh đã 6 tuổi nhưng chung cư vẫn chưa xây xong.

Hiện tại, khu phức hợp vẫn được tổ chức xây dựng bởi chính quyền, tòa án, đơn vị quản lý tái tổ chức phá sản và chủ đầu tư. Tuy nhiên, các chủ sở hữu căn hộ vẫn chưa thể yên tâm.

"Cuối cùng chúng tôi quyết định chuyển đến vì người quản lý nói rằng 'khi có quyết định cuối cùng của tòa án, những căn hộ này có thể không thuộc về bạn'", Li nói.

Theo Li, lối vào tòa nhà đã bị chặn 3 lần mà không được thông báo trước để ngăn người dân chuyển đến.

"Sau đó họ chỉ thông báo với chúng tôi rằng rào chắn được dựng lên để phục vụ thi công, nhưng chúng tôi không tin".

Giấc mơ hóa thành ác mộng

Một số gia đình đã dọn đến sống ở các tòa nhà cụt đuôi vì tin rằng đây là cách duy nhất để bảo vệ quyền sở hữu tài sản của mình, trong khi nhiều người khác làm vậy vì không còn lựa chọn nào khác.

Qu Pingrong (55 tuổi), đầu bếp, đã nghỉ việc 3 tháng vào năm 2021 do ngành kinh doanh ăn uống bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Vợ anh đã thất nghiệp gần nửa năm.

"Chủ nhà tăng tiền thuê lên gần 24%, 2.100 nhân dân tệ (317 USD)/tháng. Khoản tiền mà chúng tôi không thể trả được vì vẫn còn nợ 200.000 nhân dân tệ (30.200 USD)", Qu nói.

Gia đình Qu dọn về căn hộ trong tòa nhà cụt đuôi, nơi người đàn ông đã bỏ tiền mua vì có thể nhìn thấy ngôi làng anh từng sống cùng bố mẹ. Thế nhưng, những gì từng là giấc mơ nay đã trở thành cơn ác mộng.

Nhiều người chuyển vào sinh sống trong các tòa nhà cụt đuôi vì muốn bảo vệ quyền sở hữu tài sản của mình.

Theo cuộc khảo sát của Tencent được thực hiện trong năm nay, hơn 45% người mua nhà ở Trung Quốc gặp vấn đề vì khâu xây dựng chưa hoàn thiện.

Dữ liệu do The Paper thu thập vào năm 2020 cho thấy các tòa nhà có thể được bàn giao chậm hơn dự kiến 2,1 năm, trong đó trường hợp lâu nhất được ghi nhận là 22 năm.

Wang Yuchen, luật sư bất động sản ở Bắc Kinh, cho rằng số lượng các tòa nhà chưa hoàn thành có thể tăng lên do dịch bệnh và sự suy thoái của thị trường bất động sản đầy biến động của Trung Quốc.

Trong khi việc chuyển đến các tòa nhà xây dựng dang dở có thể giúp bảo vệ quyền lợi của chủ nhà trong trường hợp tòa án ra phán quyết thu giữ tài sản, Wang giải thích rằng "việc xác định ai là người chịu trách nhiệm có thể khó khăn khi xảy ra tai nạn, chẳng hạn như hỏa hoạn".

"Tuy nhiên, bất kể điều gì gây ra tai nạn, chủ đầu tư đều phải chịu trách nhiệm gián tiếp", Wang nói thêm.

Theo Zing