Sao cứ phải chờ đến tết mới cầu chúc cha mẹ khỏe mạnh? Sao cứ phải chờ đến ngày tình yêu mới nói "anh yêu em"? Sao cứ phải đến khi xa nhà thì mới viết tản văn thảng thốt "mẹ ơi con thương mẹ lắm"? Sao cứ phải 30 tết mới bánh chưng dưa hành? Sao chúng ta cứ thích để dành những điều đẹp đẽ trong đời đến vậy?

Có một câu chuyện kinh điển về việc để dành. Ngày xửa ngày xưa, người phụ nữ nọ mua một chiếc áo ngủ rất đẹp mà cô thích lắm. Cô định sẽ mặc nó vào một ngày đặc biệt của hai vợ chồng, một đêm ở khách sạn xa nhà nào đó, có rượu vang đỏ, nến, có nhạc  và tuyệt đối không có lo toan. Cô chuẩn bị cho ngày đó một cách lặng lẽ mà quyết liệt: cô giữ gìn vóc dáng, làn da, nhan sắc. Cô muốn mọi thứ phải hoàn hảo, đó sẽ là chất dầu tưới thêm vào ngọn lửa tình yêu của hai vợ chồng.

Ngày kỷ niệm ngày cưới xiết bao mong chờ rồi cũng đến. Chưa lên đường mà cô đã hân hoan. Mọi thứ diễn ra như kế hoạch không sai mảy may. Sau bữa tối trên bờ biển, có rượu vang, có nến và chỉ có hai vợ chồng, cả hai về khách sạn, như say, như ngây. Cô vào phòng tắm trước, ngâm mình trong nước nóng và tinh dầu hoa hồng. Chiếc áo ngủ quyến rũ đã treo trên móc, đẹp đẽ như lời hứa hẹn một đêm nồng cháy...

{keywords}
Ảnh minh họa: nhatkybe.

Đang thả mình cho những tưởng tượng nồng nàn thì cửa phòng tắm bật mở. Chồng cô lao vào. Không, không phải anh muốn tạo nên một kỷ niệm hoang dại hơn với vợ, mà anh lao thẳng đến lavabô, cúi gập người, nôn thốc nôn tháo.

Té ra mấy con cua biển trong bữa tối quá ngon miệng xem chừng không đồng tình với việc ở yên trong dạ dày anh. Sau khi được giải phóng hoàn toàn, chúng thôi không quậy nữa nhưng chồng cô cũng mệt lả, xanh ngắt, thậm chí ly sữa không muốn uống.

Và thế là xong đêm đầu tiên.

Tất nhiên hơi thất vọng một tí nhưng cô cũng chưa có gì phải phiền lòng. Họ vẫn còn đêm thứ hai.

Trưa hôm sau, rút kinh nghiệm, hai vợ chồng không ăn hải sản nữa mà vào một nhà hàng có sao, dùng một bữa cơm kinh điển với mọi thứ đều nấu suông và cơm bốc khói. Chồng cô rất ngon miệng, đang ăn còn ngẩng lên nháy nháy mắt với vợ. Cô bật cười, trái tim như có một biển mật ấm đang dâng lên.

Bỗng một cái vỗ vai khiến cô giật mình. Ngoảnh lại thì thấy mấy người bạn thân lâu không gặp của cả hai vợ chồng, tình cờ sao cũng đi nghỉ ở nơi này.

Khỏi phải nói, bạn bè lâu ngày gặp nhau, bao nhiêu lời cũng chưa đủ, say sưa, tràn trề. Đến đêm, đám bạn cũ vẫn chưa muốn rời nhau, nhưng khi rời thì đôi vợ chồng nọ chỉ về được đến đúng phòng, đổ xuống giường, ngủ tít thò lò một giấc đến khi nắng xuyên qua rèm vẫn chưa tỉnh.

Sau đó, kỳ nghỉ đã hết. Họ về nhà.

Dĩ nhiên chiếc áo ngủ còn được mang ra nhiều lần nữa, nhưng lần thì đứa con nhỏ bị bệnh bất ngờ phải đi cấp cứu giữa đêm. Lần thì cô nhức đầu. Lần khác anh bận làm việc đến gần sáng.

Vài năm sau đó, cô tình cờ tìm thấy chiếc áo ngủ chưa mặc lần nào dưới đáy tủ, vẫn còn mới tinh, vẫn hết sức quyến rũ. Cô lại ướm vào người, nhưng đã quá chật. Cô không thể mặc được nữa.

Bạn thấy câu chuyện trên có quen thuộc không?

Tôi bịa ra đấy.

Song chắc chắn điều này là có thực: trong khi ta tính toán và để dành, thì tích tắc tích tắc, thời khắc vẫn đang trôi rất nhanh. Và nó chỉ trôi theo một chiều. Ta để dành tình yêu thương, ta để dành dịp quan trọng, ta để dành thời gian, ta hứa thầm với lòng khi để dành đủ rồi ta sẽ yêu bù, sẽ tận hưởng, sẽ bỏ hết mọi lo toan để dứt khoát sống với sở thích. Nhưng thời gian đâu có chịu nằm yên để ta đóng băng nó rồi khi cần thì rã đông ra mà yêu, mà sống. Chỉ trong trí tưởng tượng của nhà thơ thì hoa đào năm ngoái mới vẫn còn đó để cười với gió đông năm này. Trong đời sống mà tất cả chúng ta đang sống, hoa đào chỉ nở một lần.

Đừng đợi!

Tôi rất thích bài hát Nếu có yêu tôi của nhạc sĩ Trần Duy Đức vì ca từ của nó: "Nếu có yêu tôi thì xin yêu tôi bây giờ, đừng đợi ngày mai đến lúc tôi qua đời, đừng đợi ngày mai đến khi tôi thành mây khói, cát bụi làm sao mà biết lụy người."

Cha tôi là một người không đợi. Cha mẹ tôi đều đã suýt soát 80, 90 tuổi. Mỗi tết đến, lưng má tôi thêm còng. Ba tôi ngày càng ít ngủ. Nên khi tết đến, chúng tôi vừa mừng vừa sợ. Mừng vì lại được thêm một cái tết cả nhà vẫn đủ đầy bên nhau, sợ vì biết trước những ngày vui này đang ngày càng ngắn lại.

Năm ngoái, tôi cố tình không thức cả nhà dậy đón giao thừa như thông lệ gia đình hàng chục năm nay, để ba mẹ tôi được tròn giấc. Người già khó ngủ, tôi sợ ba má tôi chỉ vì thức một đêm giao thừa cho vui với con cháu mà đâm ra mỏi mệt. Nhưng khi pháo hoa bắt đầu điểm rực rỡ trên bầu trời và chuông nhà thờ ngân vang, khi lũ con bấm nhau im thin thít thì ba tôi lặng lẽ ngồi dậy thắp hương lên bàn thờ tổ tiên, và sáng hôm sau ông có vẻ buồn. Tôi chợt hiểu: ba tôi không cần sống nhiều ngày dài vô vị. Ông cần sống ngay những ngày hạnh phúc, đúng vào ngày đó, giờ đó, thuận theo lẽ tự nhiên. Ba tôi, một người không bao giờ hát, có lẽ trong sự tận sống an nhiên của mình đã thấu triệt lẽ thật của cuộc đời mà nhiều người đi tìm, và chính con cái ông vẫn hát ra rả hàng ngày: "Dù đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn đời!"*

Nên thôi đừng sợ. Hãy cứ òa vào nhau đi bất kể là cuối đông hay giữa hạ. Hãy cứ lăn vào ôm mẹ mình bất cứ lúc nào mẹ con ở bên nhau. Hãy hôn vợ hôn chồng thật dài mặc dù chẳng ai phải đi xa ngày mai. Hãy trở lại làm đứa trẻ để lê la chơi đùa với con mình, rạng rỡ nghe tiếng chúng cười như tiếng lục lạc reo. Mỗi bình minh trở dậy, hãy "nhìn cuộc đời như khách lạ", rồi sẽ "thấy mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn" **.

Đừng đợi! Hãy yêu thương đi khi còn có thể!

Hoàng Xuân

*: Lời bài hát Tạ ơn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

**: Thơ Tố Hữu.