Nhà báo tự do
Chris Stokel-Walker là nhà báo tự do với nhiều bài viết xuất hiện trên các ấn phẩm uy tín như New York Times, The Times & Sunday Times, The Economist, Bloomberg, The Guardian và BBC. Ông đồng thời là tác giả của nhiều cuốn sách đạt giải thưởng danh tiếng. Đây là quan điểm của Stokel-Walker về nội dung độc hại trên YouTube, được trích từ cuốn sách YouTubers: How YouTube shook up TV and created a new generation of stars xuất bản bởi Canbury Press tháng 5/2019, với sự đồng ý của tác giả.
Hàng loạt vụ xả súng, tự tử, bê bối tình dục, scandal của người nổi tiếng và gian lận quảng cáo tràn ngập YouTube trong mấy năm qua. Nếu click vào bất kỳ video nào trong số đó, thuật toán nguy hiểm trên nền tảng này có nguy cơ tiếp tục đẩy người xem dấn sâu vào những thuyết âm mưu của chủ nghĩa cánh tả cực đoan.
Nội dung "bẩn", độc hại không còn xa lạ trên YouTube. Thế nhưng, trong nhiều năm, cách kinh điển mà YouTube đối phó mỗi khi có vấn đề là “nhắm mắt, bịt tai” ngó lơ, cho tới khi các nhãn hàng quảng cáo phản ứng dữ dội. Từ đó, YouTube mới bắt đầu quáng quàng khắc phục.
Không gì minh chứng điều này rõ hơn khi adpocalypse đầu tiên xảy ra vào năm 2017. Lúc đó, các nhãn hàng tiếng tăm đồng loạt rút quảng cáo khỏi YouTube vì nội dung cực đoan, phân biệt chủng tộc trên nền tảng này.
Biến cố đó đã bóc trần vấn đề cốt lõi bao năm qua của YouTube: Nền tảng khổng lồ này chỉ xử lý vấn đề theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”.
Và tôi hiểu điều đó. Khi lập ra một trang web để người dùng đăng tải video ngắm nghía những con voi trong sở thú vào năm 2005, bạn chẳng thể nào lường có một ngày mình sẽ tạo ra điểm tụ họp của những kẻ ấu dâm vào năm 2019.
Nhưng từ nhiều năm qua, YouTube đã trở thành "ông lớn" và nền tảng này hiểu rõ thuật toán cũng như cách thức phát triển của mình đang ẩn chứa mối họa lớn về lâu dài.
YouTube đang phủi tay trước trách nhiệm xã hội |
Và trong bối cảnh đó, YouTube chưa cho thấy hành động thiết thực nào để ngăn chặn nội dung độc hại. Những nội dung "bẩn" đã và đang lăm le đến đối tượng dễ tổn thương nhất: trẻ em.
Năm 2019, nhóm nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Cyprus đã phân tích 130.000 video hướng tới trẻ em từ 1-5 tuổi có sự xuất hiện của các nhân vật chúng yêu thích.
Theo dõi cách YouTube đề xuất các video tiếp theo, nhóm tác giả nhận thấy có 45% khả năng đứa trẻ gặp phải nội dung "bẩn" trong 10 cú nhấp chuột vào đoạn phim gắn mác thân thiện với trẻ em. Họ cũng phát hiện trẻ em có 1/20 khả năng được đề xuất các nội dung xấu độc sau khi xem một video bất kỳ.
Vấn đề này rất đáng lo ngại, theo dữ liệu được phân tích cho riêng cuốn YouTubers của tôi. Kết quả khảo sát 20.000 trẻ em và cha mẹ của chúng về việc sử dụng mạng xã hội cho thấy chỉ có 4/10 phụ huynh luôn theo dõi việc sử dụng YouTube của con em mình. Trong khi đó, 1/20 trẻ em từ 4-12 tuổi nói rằng cha mẹ không bao giờ quan tâm chúng xem gì.
Mới đây, New York Times cũng vừa cảnh báo thuật toán của YouTube đang khuyến khích những kẻ ấu dâm, sau khi tiếp cận nội dung có chủ đề tình dục, có thể xem tiếp các video về trẻ em ăn mặc thiếu vải.
Đối với hầu hết người dùng, đây là những thước phim vô hại về khoảnh khắc gia đình vui chơi ở hồ bơi hoặc trẻ em nô đùa quanh đài phun nước trong kỳ nghỉ. Thế nhưng, đối với những kẻ ấu dâm đã xem chúng nhờ thuật toán của YouTube, vấn đề trở nên phức tạp hơn.
Điều gì đã bị buông lỏng? YouTube đã sơ suất? Sự phớt lờ vai trò của nền tảng này trong xã hội và tác động của nó?
Rõ ràng, YouTube đã thiếu trách nhiệm trong việc xử lý, ngăn chặn các hành vi lạm dụng nghiêm trọng nhất. Mặc dù vào thời điểm YouTube trình làng năm 2005, không ai mường tượng được hơn mười năm sau, một nền tảng có mục đính chính là lưu trữ các video gia đình sẽ biến thành nơi dung dưỡng chủ nghĩa cực đoan và hành vi lệch chuẩn, nhưng chính bản thân đội ngũ vận hành YouTube đã không thực sự coi trọng vai trò kiểm soát của mình.
YouTube cần nhận ra mình phải chủ động hơn nữa trong việc ngăn chặn nội dung xấu, thay vì chỉ cầu mong báo chí hay ai đó đừng phát hiện ra, để rồi sau đó hành động vội vã chỉ để xoa dịu các nhãn hàng quảng cáo.
Và nếu những người chỉ đứng bên ngoài quan sát như tôi mà đã nhận ra các vấn đề này trong nhiều năm, thì bất cứ ai đang vận hành YouTube từ bốn bức tường trụ sở chính ở California chắc chắn rõ mồn một từ rất lâu trước đó.
Họ là những người nắm trong tay dữ liệu cho thấy người dùng sử dụng nền tảng của mình trong bao lâu, họ xem gì và sa lầy vào những thông tin độc hại như thế nào.
YouTube có xu hướng bỏ qua các vấn đề của chính mình cho đến khi báo giới phát hiện và dư luận phẫn nộ. Thế nhưng, là một nền tảng truyền thông lớn, YouTube không chỉ có bổn phận làm hài lòng các nhãn hàng quảng cáo. Họ còn phải có trách nhiệm đối với người dùng - hay rộng hơn là toàn xã hội.
Tôi không phải là người duy nhất tin như vậy. Trong cuộc khảo sát được thực hiện riêng cho cuốn YouTubers, 3/4 người được hỏi cho rằng YouTube có một phần hoặc toàn bộ trách nhiệm đối với các video được lưu trữ trên nền tảng của mình. Và gần như nền tảng này không làm hết trách nhiệm.
Cho dù chúng ta đang nói về adpocalypse đầu tiên, adpocalypse thứ hai, hay nội dung độc hại liên quan đến khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, những trò chơi khăm, thuyết âm mưu hoặc bất kỳ vụ bê bối nào mà YouTube là tâm điểm, phản ứng của "gã khổng lồ" này có thể gói gọn lại trong một câu: hành động quá muộn màng và hời hợt.
Sau tất cả, vấn đề lớn nhất là đã quá muộn để chỉnh đốn “di sản” tồi tệ nhất của YouTube: sự sản sinh ra một thế hệ trẻ mất lòng tin vào những giá trị phổ quát.
Trong vòng vài giờ, thuật toán của YouTube có thể gieo mầm hạt giống biến một con người bình thường của xã hội thành kẻ cô độc không tin bất cứ ai.
Khi tôi bắt đầu viết cuốn sách này, YouTube hãy còn xa lạ với nhiều người. Khi tôi đặt bút viết những dòng cuối cùng, gần như không có ngày nào mà truyền thông quốc tế không đề cập tới thực trạng hay vấn đề của nền tảng này.
Không lẽ phải chờ đến khi các nhãn hàng tẩy chay quảng cáo một lần nữa, YouTube mới chịu xắn tay hành động ngăn chặn và xử lý nội dung xấu?
Cứ mỗi ngày trôi qua, có khoảng 5 tỷ video được xem trên YouTube. Và trong thế giới công nghệ ngày nay, con sóng lớn nhất vẫn còn đang chờ ở phía trước.
Theo Zing
Google, YouTube muốn làm ăn ở Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, doanh nghiệp dù trong hay ngoài nước đều phải tuân thủ luật pháp của nước sở tại. Các nền tảng xuyên biên giới khi hoạt động tại Việt Nam phải tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam.