Tin hot của ngày hôm nay là Samsung dự kiến công bố Galaxy S7. Tin hot của tuần trước là lượng tiêu thụ của iPhone sẽ giậm chân tại chỗ, trong khi Samsung thừa nhận sức cầu "đang chậm lại".
Thế nhưng có bao nhiêu độc giả trong số các bạn quan tâm đến những thông tin này? Có vẻ như iPhone và Galaxy S đã không còn là từ khóa "hot", không thể không đọc như cách đây một vài năm nữa. Nói cách khác, sự quan tâm, hào hứng của người dùng dành cho hai dòng smartphone đắt tiền, cao cấp này cũng đã nguội đi nhiều phần.
Cả Apple lẫn Samsung đều đang phải đối mặt với những áp lực và rắc rối giống nhau. Apple bán được gần 75 triệu iPhone trong quý IV và đạt tổng doanh thu xấp xỉ 76 tỷ USD. Hãng này có đủ tiền trong tài khoản ngân hàng để có thể tặng không toàn bộ sản phẩm của mình trong nhiều năm. Tương tự, Samsung cũng đạt tổng doanh thu 44,2 tỷ USD. Ấy thế nhưng chừng đó vẫn chưa thỏa mãn được phố Wall và giới phân tích, những người luôn đòi hỏi phải "cao, cao nữa".
iPhone 6s Plus và Galaxy S6 Edge + không còn hot? |
Microsoft và các fan hâm mộ của mình có thể ăn mừng tưng bừng tốc độ tăng trưởng lên tới 130%, nhưng thành tích đó rất dễ đạt được khi giá trị tuyệt đối nhỏ. Nếu như bạn chỉ bán được 1 triệu thiết bị/năm, con số tăng trưởng 130% nghe ấn tượng thật đấy, nhưng trên thực tế bạn chỉ bán được 1,3 triệu máy mà thôi.
Vậy những ông lớn như Apple và Samsung phải tăng trưởng bằng cách nào, khi mà quy mô của họ đã quá khủng như vậy? Thật tiếc, nhưng có vẻ như iPhone và Galaxy S không phải là đáp án.
Thị trường smartphone cao cấp đã hoàn toàn bão hòa. Giá bán của bộ đôi này thì cao ngất ngưởng, trong khi nhiều sản phẩm có cấu hình tương đương, hoặc chỉ thua kém chút xíu đang được các hãng TQ bán với giá chỉ bằng phân nửa. Bối cảnh kinh tế khó khăn khiến người dùng đắn đo nhiều hơn khi móc ví.
Ở các nước phát triển, hầu hết những ai muốn sở hữu smartphone cao cấp thì đều đã có một cái trong tay rồi. Họ đã chọn xong phe (Android hoặc iOS) và cuộc chiến đã ngã ngũ. Do cả iPhone lẫn Galaxy S đều mang đến trải nghiệm ở nấc cao nhất nên sự lựa chọn đơn thuần chỉ còn là sở thích cá nhân mà thôi, cấu hình, công năng khó lòng ưu việt hơn được nữa.
Các tính năng mới, khác biệt (như màn hình cong của Edge) có thể khiến các fan cứng lên đời máy nhanh hơn, nhưng chúng không thể tạo ra tăng trưởng đúng nghĩa. Apple đã kỳ vọng Trung Quốc sẽ là một thị trường vô tận, nhưng nền kinh tế nước này đang chênh vênh nên kế hoạch không suôn sẻ như ý.
Hãy thử điểm qua những đột biến mà smartphone có thể có được trong thời gian tới: thời lượng pin siêu khủng xem chừng hơi khó, thay vào đó sẽ là các công nghệ giúp sạc nhanh hơn hoặc sạc không dây. Điện thoại màn hình gập nghe có vẻ cách mạng đấy, nhưng chí ít phải vài năm nữa mới thương mại hóa được.
Còn tại những thị trường đang phát triển như Nam Mỹ, Ấn Độ, châu Phi, iPhone, Galaxy S chưa bao giờ là những dòng máy có tầm ảnh hưởng lớn. Không may hơn nữa, cơ hội tăng trưởng ở những khu vực này là rất thấp, khi mà các dòng dế giá rẻ hoặc tầm trung mới chiếm thị phần áp đảo. Ở những nước như Brazil hay Ấn Độ, người dân chẳng mua iPhone làm gì vì cần phải có hạ tầng tốt mới ứng dụng được nhiều tính năng của nó. Đấy là lý do vì sao Google đang đầu tư cho dự án Loon hay Facebook muốn cung cấp Internet miễn phí thông qua máy bay không người lái.
Những sản phẩm mới của Apple và Samsung đều chưa gặt hái được thành công đáng kể để hỗ trợ cho lực bán của iPhone hay Galaxy S. Apple Watch "làng nhàng", trong khi iPad Pro bị lo sợ là bom xịt. Samsung thì kinh doanh đủ thứ, từ TV, tablet, Chromebook cho đến máy ảnh, tủ lạnh, wearable, VR. Tuy nhiên, hy vọng lớn nhất của hãng này đang được đặt cho ô tô thông minh, VR và TV. Cả 3 lĩnh vực này đều không thể thay thế di động, nhưng chúng có thể giữ chân người dùng bằng các dịch vụ đám mây, nội dung, ứng dụng, khiến họ gắn bó với smartphone của hãng hơn. Apple và Google đều đang nỗ lực mở rộng tầm với của iOS và Android ra khỏi thiết bị di động, nhưng điều đó dễ thấy là không dễ dàng chút nào.
Trọng Cầm