Động thái này nhận được nhiều ý kiến khẳng định chính quyền Trung Quốc đang muốn "nhắc nhở" các doanh nghiệp nước này về vai trò của họ đối với sự phát triển của quốc gia.

{keywords}
Kể từ đợt IPO kép của Ant Group bị chặn, vốn hóa của Alibaba đã giảm gần 200 tỷ USD. Ảnh: Nikkei

Nhiều năm qua, Alibaba và nhiều tập đoàn thương mại điện tử lớn khác ở Trung Quốc thường sử dụng chiến thuật "chọn một trong hai" trong kinh doanh.

Cụ thể, trong trường hợp của Alibaba, công ty này dính cáo buộc "chống độc quyền" do ép người bán hàng phải bán sản phẩm độc quyền trên nền tảng của họ. Nếu người vừa đăng sản phẩm lên nền tảng của Alibaba, vừa đăng sản phẩm lên một nền tảng khác có thể sẽ bị trừng phạt bằng cách chặn lượt truy cập.

Theo tờ Global Times, việc SAMR tiến hành một cuộc điều tra "chống độc quyền" đối với gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba do tỷ phú Jack Ma sáng lập, được đánh giá là động thái nhằm chấn chỉnh trật tự thị trường và tạo điều kiện tự do, công bằng và môi trường kinh doanh không phân biệt đối xử.

Trong bài xã luận đăng tải hôm 24/12 trên tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc đã khẳng định, điều tra chống độc quyền là một thông lệ quốc tế, có lợi cho việc bảo vệ cạnh tranh công bằng và sáng tạo trên thị trường cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cùng ngày, một thông báo riêng biệt từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết các nhà chức trách sẽ có cuộc họp riêng với công ty Ant Group thuộc tập đoàn Alibaba.

Mục đích của các cuộc hội đàm dự kiến chủ yếu sẽ là "hướng dẫn" Ant thực hiện các yêu cầu quản lý tài chính, giữ cạnh tranh bình đẳng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, phù hợp với các nguyên tắc định hướng thị trường và dựa trên luật pháp, từ đó điều chỉnh hoạt động và phát triển của các doanh nghiệp tài chính.

Thông báo điều tra được đưa ra sau cuộc họp kinh tế thường niên, trong đó nhấn mạnh rằng việc tăng cường chống độc quyền và ngăn chặn sự bành trướng vốn gây mất trật tự sẽ là những ưu tiên hàng đầu trong năm tới.

{keywords}
Tỷ phú Jack Ma cho rằng quy định tài chính của chính phủ Trung Quốc "kìm hãm sự phát triển của công nghệ". Ảnh: Getty

Theo SCMP, mặc dù quy định chống độc quyền đã có mặt tại Trung Quốc từ lâu nay, nhưng đây là lần đầu tiên chính quyền có động thái điều tra, đặc biệt là đối với một đế chế thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc như Alibaba.

Đây được coi là một phần trong nỗ lực rộng rãi của chính quyền Trung Quốc nhằm thắt chặt các quy định trong lĩnh vực internet, ngăn chặn các công ty thương mại điện tử lớn lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Ngoài ra, tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc cũng khẳng định rằng cuộc điều tra Alibaba không nhằm ngụ ý thể hiện thái độ của chính quyền nước này đối với nền kinh tế trực tuyến, mà thay vào đó, nhằm thúc đẩy các công ty phát triển lành mạnh, đóng góp lớn hơn vào sự phát triển kinh tế chất lượng cao của Trung Quốc.

"Cuộc điều tra Alibaba không đồng nghĩa với việc thái độ của Bắc Kinh đối với nền tảng kinh tế trực tuyến đã thay đổi. Ngược lại, điều này là tốt cho thị trường và có thể tạo đà thúc đẩy phát triển nền kinh tế Trung Quốc, đồng thời tăng cường thực thi chống độc quyền mới." - theo Nhân dân Nhật báo Trung Quốc.

SAMR đã ban hành dự thảo các quy tắc chống độc quyền liên quan đến nền kinh tế trực tuyến của đất nước để tăng cường giám sát các nền tảng dịch vụ trực tuyến khổng lồ của đất nước và mời lấy ý kiến của công chúng khi thực hiện các bước hướng tới bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Theo ông Yue Zhongming - người phát ngôn của Ủy ban Các vấn đề Lập pháp của Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân Toàn quốc (NPC) - vào tuần trước cho biết: "Các nhà lập pháp Trung Quốc sẽ cân nhắc sửa đổi luật chống độc quyền của nước này".

Ngay sau khi thông báo điều tra được công bố, cổ phiếu của Alibaba đã giảm 13% chỉ trong một ngày. Sự sụt giảm này đã đẩy giá trị cổ phiếu của Alibaba xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7. Hiện cổ phiếu giảm 30% so với mức đỉnh đầu tháng 10 vừa qua. Còn tại Hồng Kông, cổ phiếu Alibaba giảm 8%, rơi xuống mức đáy trong 5 tháng vào phiên 24/12.

Tuy nhiên, Alibaba cho biết họ sẽ hợp tác với các cơ quan quản lý trong cuộc điều tra này và hoạt động kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường.

SAMR và Bộ Thương mại Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp với các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu vào hôm 23/12 và nhấn mạnh rằng các nhà chức trách có ý định tăng cường giám sát và ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực nền tảng thương mại điện tử. Cụ thể, ngoài Alibaba, còn có 5 "ông lớn" khác tham gia cuộc họp, bao gồm Tencent, JD.com, Meituan, Pinduoduo và Didi Chuxing.

(Theo Global Times / Dân Trí)