Đầu năm ngoái, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam đưa một người phụ nữ hộ khẩu ở tỉnh Phú Thọ bị bán sang Trung Quốc từ năm 1990 trở về. Nạn nhân là chị Hà Thị Chiến (SN 1978) ở huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ.

Gần 30 năm sống cuộc đời đầy tủi nhục nơi xứ người luôn là nỗi ám ảnh không nguôi của chị Hà Thị Chiến. Ngay cả khi trở về Việt Nam, đoàn tụ với gia đình, ký ức khủng khiếp ấy vẫn ngày ngày gặm nhấm tinh thần chị đến kiệt quệ.

Sinh ra ở vùng quê nghèo của xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn, gia đình khốn khó nên chị Hà Thị Chiến không có cơ hội theo đuổi con đường học hành.

Năm 1990, khi vừa bước sang tuổi 12, chị được một người quen rủ đi làm ăn xa. Lúc đó, chị chỉ nghĩ đến việc làm sao có tiền gửi về đỡ đần bố mẹ và kiếm chút vốn buôn bán lặt vặt. Chẳng ngờ, đây là hành trình biền biệt, tưởng chừng không có ngày trở lại.

{keywords}
Cuộc trùng phùng đẫm nước mắt của hai bố con chị Chiến. 

Khi sang đất Trung Quốc, chị mới biết mình bị bán cho một người đàn ông nghèo làm vợ. Nơi xứ người lạ lẫm, tiền bạc không có, không biết đường về, chị đành chấp nhận làm vợ người ta.

Thời gian sau, chị có thai và sinh được đứa con gái xinh xắn, gia đình chồng hứa ngon ngọt sẽ cho chị về Việt Nam thăm bố mẹ. Vậy mà, một ngày mưa, họ nhẫn tâm lừa bán chị cho nhà chứa. Chị bị ép “bán phấn buôn hương” nếu không sẽ nhận những trận đòn như trời giáng.

Ban đầu chị phản kháng, nhiều lần tìm cách bỏ trốn nhưng không thành vì bị quản lý chặt chẽ. Lần nào trốn thì lần đó bị bắt và tra tấn bằng những trận đòn roi tàn khốc. Quãng đời ấy, với chị Chiến chỉ là nước mắt, tủi nhục. Tuy vậy, chị chưa bao giờ quên gốc gác và niềm hy vọng được trở về bên vòng tay gia đình.

Hai mươi sáu năm lưu lạc, cuối cùng chị có cơ hội bỏ trốn khỏi “địa ngục trần gian”. Dịch Covid-19 bùng phát, lợi dụng sự lơ đễnh của chủ nhà chứa, chị được một người Việt (cũng ở trong nhà chứa) giúp trèo qua cửa sổ. Sau đó chị chạy một mạch vào rừng.

Không biết mình đang ở địa điểm nào của Trung Quốc nên chị cắm đầu đi, băng rừng, lội suối. Đôi bàn chân trần rướm máu, nứt toác nhưng không dám nghỉ vì sợ người ở “động quỷ” đuổi theo.

Sau 5 ngày vượt núi, ăn quả rừng để sinh tồn thì chị Chiến kiệt sức. Chị gặp một người Trung Quốc đang làm rừng và được cho lưu trú lại 1 đêm. Sáng hôm sau, người này đưa chị Chiến ra sông (ranh giới giữa Việt Nam và Trung Quốc) rồi lên thuyền sang phía Việt Nam.

Do thời gian xa quê lâu, đặt chân trên đất Việt Nam, chị Chiến cũng chẳng biết mình đang ở đâu. May mắn, chị được Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn giúp đỡ và hỗ trợ tiền mua vé về Phú Thọ. Trí nhớ suy giảm nên chị đi nhầm xe khách vào tận tỉnh Quảng Nam. Sau đó, nhờ người dân địa phương kết nối với cơ quan sở tại mà chị về được Phú Thọ.

Khi chị Chiến được đại diện các cơ quan chức năng đưa về nhà, ông Hà Văn Hoạt, bố đẻ chị Chiến nghẹn lời, ôm con khóc rưng rức. Cuối cùng, ông cũng có cơ hội gặp lại đứa con gái đáng thương, ngày đêm ông mong ngóng. Ông còn tưởng con đã bỏ xác ở nơi nào.

Cuộc đoàn tụ thấm đẫm đau đớn, nước mắt và cả niềm vui. Ông  Hoạt xúc động kể, vợ chồng ông sinh được 6 người con gái. Các con không được đi học đến nơi đến chốn. Chị Chiến là con gái thứ 3. Ngày trước, chị chịu khó, thương bố mẹ, hay đi đào củ sắn, củ mài về làm bữa ăn cho cả gia đình. Cuộc sống thiếu thốn nhưng đầm ấm.

Ngày chị biệt tích, ông Hoạt dò la tin tức khắp nơi nhưng không có kết quả. Nhiều lần nghe người ta mách, ông cũng định sang Trung Quốc tìm con nhưng chữ không biết, tiền không có, ý định đó đành bỏ lửng. Đêm đến nghĩ thương con, ông khóc nhòe cả mắt.

Ông Hoạt cho biết thêm, ngày nhỏ chị Chiến cũng nhanh nhẹn, tháo vát, ăn nói lưu loát. Thế nhưng, giờ chị trở thành người chậm chạp, thần trí không ổn định, ngây ngô chẳng khác nào đứa trẻ. Điều đó càng khiến ông đau đớn vô cùng.

“Nhà tôi bây giờ vẫn nghèo, vẫn là nhà tranh vách đất, bữa cơm rau cháo nhưng con về là vui rồi. Tôi và các chị em của Chiến sẽ bao bọc, bảo vệ con, bù đắp cho con trong khả năng của mình”, ông Hoạt nói giọng run run.

Ông Hoàng Văn Liêm, Chủ tịch UBND xã Thu Ngạc cho biết, sau khi chị Chiến trở về đoàn tụ với gia đình, địa phương tạo điều kiện giúp chị làm lại hồ sơ giấy tờ tùy thân. Các ban ngành đoàn thể, đặc biệt là Hội Phụ nữ xã giúp đỡ chị tái hòa nhập cộng đồng, kiếm thêm thu nhập bằng các công việc thủ công, phù hợp sức lao động.

Hiện, sức khỏe chị Chiến dần ổn định. Gần 2 năm về với gia đình, chị cởi mở hơn. Hàng ngày, chị dọn dẹp nhà cửa, cơm nước, làm việc đồng áng và chơi với các cháu.

Cả thanh xuân, cả cuộc đời bị chôn vùi bên kia biên giới, lúc này, chị Chiến chỉ mong tháng ngày còn lại sống trọn hai chữ “an yên”...

Bích Thủy