Ám ảnh mẹ bán con mới sinh

Từ Mường Xén, trung tâm huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) mất hơn một giờ đồng hồ đi xe máy, qua những cung đường gần như dựng đứng với góc cua tay áo, chúng tôi mới đến được xã Hữu Kiệm. Nơi đây là điểm nóng của nạn bán bào thai.

Theo thống kê, xã Hữu Kiệm có 10 bản với 943 hộ dân, hầu hết đều làm ruộng và chỉ khoảng 30% là học hết cấp III. Ba thôn là điểm nóng của nạn buôn bán bào thai gồm thôn Đỉnh Sơn 1, Đỉnh Sơn 2 và thôn Huồi Thợ.

{keywords}
Ngôi nhà của người phụ nữ từng vượt biên sang Trung Quốc bán con. 

Chúng tôi đã tiếp cận với 4 người phụ nữ từng vượt biên sang Trung Quốc khi đang mang thai, rồi bán đứa trẻ ngay khi vừa lọt lòng. Họ đều lấy lý do vì nghèo đói mà bán con. Từng lời họ nói khiến ai cũng phải ám ảnh.

Cuối năm 2018, chị L.T.C (SN 1992) bắt xe đi Móng Cái (Quảng Ninh). Đến địa điểm đã hẹn trước qua điện thoại với người phụ nữ cùng bản đang làm ăn bên kia biên giới, chị được một người tới đón và đưa sang Trung Quốc. Lúc ấy, chị đang mang bầu 8 tháng. 21 ngày sau khi sang, chị sinh con. Chị ở cùng con 2 ngày 1 đêm rồi đứa bé được người ta bế đi.

Chị về nhà người phụ nữ kia nghỉ ngơi 1 tuần rồi tự về Việt Nam, trong tay có 60 triệu đồng. Chồng chị lên Hà Nội làm phụ hồ đã 7 tháng nay, chưa một lần về thăm nhà. Trong 7 tháng, anh gửi tiền về được 2 lần - một lần 3 triệu, một lần 2 triệu.

Lấy chồng nhưng chưa có nhà riêng để ở, vợ chồng chị vẫn ở nhà ngoại. Một năm làm rẫy, chị chỉ thu về được 2 - 3 yến thóc, nuôi thêm mấy con gà, 1 - 2 con lợn. Bao nhiêu việc nặng trong nhà chị đều phải làm hết để kiếm chút cơm cháo nuôi con, nuôi cả chồng vì anh mắc bệnh lao phổi, không làm được gì. Số tiền bán con, chị chữa bệnh cho chồng. Khi sức khỏe ổn định, anh rời quê đi làm thuê.

Chị L.T.L (SN 1987) cũng mang bụng bầu 4 tháng sang bên kia biên giới vào giữa năm 2018. Sinh xong, 3 - 4 ngày sau, người ta bế con chị đi. Tháng 11 chị trở về với 60 triệu đồng trong tay. Số tiền bán con chị trả nợ 30 triệu đồng vay xây nhà và chi tiêu hết từ lâu.

Chị bảo, chồng chị không cho đi nhưng không có tiền trả nợ, không có tiền nuôi con, nhà không có gì ăn… chị đành nhắm mắt làm liều.

Cách nhà chị L. mấy bước chân là nhà của bà mẹ trẻ Mo Thị T. Mới 21 tuổi nhưng T. đã lấy chồng được 8 năm. Chồng T. năm nay 29 tuổi.

Hai vợ chồng T. làm rẫy, sống cùng bố mẹ chồng. T. đã sinh được 2 đứa con - một trai một gái. Đứa thứ 3, T. sang Trung Quốc sinh và bán cho người ta.

T. kể, nhà khó khăn quá nên không thể nuôi con. Đứa trẻ sinh ra có bệnh nên người ta không lấy. Nếu cô ôm con về thì không có tiền nên đành để lại và họ chỉ đưa cho cô 20 triệu đồng. 

Chị L.T.S (33 tuổi) ở bản Đỉnh Sơn 2, xã Hữu Kiệm cũng thực hiện hành trình bán con để trả 15 triệu đồng tiền mua gỗ làm nhà 2 năm trước. Sau khi bán con được 70 triệu đồng, chị trả nợ tiền vay làm nhà 15 triệu, mua xe máy 25 triệu, số còn lại mua gạo, mua đồ...

Chưa có chế tài xử lý

Tình trạng phụ nữ sang nước ngoài bán bào thai bắt đầu xuất hiện từ năm 2016. Theo thống kê, có 22 trường hợp phụ nữ người dân tộc thiểu số trên địa bàn xã đã thực hiện giao dịch này.

Anh Nguyễn Văn Trường, Phó trưởng Công an xã Hữu Kiệm cho biết, việc kiểm soát những đối tượng sang bên kia biên giới rất khó, bởi vì họ sang khi vẫn còn đang mang bầu, có thể theo đường chính ngạch hoặc không chính ngạch.

Các đối tượng môi giới thường không xuất đầu lộ diện ở Việt Nam mà chỉ đạo, liên lạc qua điện thoại từ bên kia. Người bán sẽ tự đi ra khu vực cửa khẩu, sau đó có người đón hoặc hướng dẫn.

Nguyên nhân của tình trạng này là do sự nhẹ dạ, nhận thức hạn chế của người dân. Mức giá bán con tuỳ thuộc vào giới tính của đứa trẻ. Con gái sẽ có giá cao hơn con trai, dao động từ 40 - 80 triệu đồng.

Phó trưởng Công an huyện Kỳ Sơn, ông Lô Văn Thao cho biết, cái khó trong việc xử phạt những đối tượng liên quan tới mua bán bào thai là chưa có chế tài xử lý. Khi sang biên giới, họ không mang người sang mà chỉ mang bào thai sang nên cũng không thể quy vào tội buôn bán người qua biên giới.

Theo luật quy định thì đứa trẻ sinh ra ở đâu có thể mang quốc tịch ở đó, nên đứa trẻ sinh ra ở bên kia sẽ mang quốc tịch bên kia. Vì vậy, chính quyền địa phương không thể xử phạt về tội buôn bán người được.

Mặc dù ngành chức năng đã đề xuất nhiều nhưng chưa có hướng dẫn nào xử lý cho đúng luật. Đó cũng là lý do mà 22 người phụ nữ ở Hữu Kiệm dù thừa nhận đã mang con sang bên kia bán nhưng vẫn trở về và sống tiếp như chưa có chuyện gì xảy ra.

Đầu năm 2021, lực lượng công an tỉnh Nghệ An đã phát hiện, giải cứu, đưa về Việt Nam 03 phụ nữ mang thai người huyện Kỳ Sơn đã sang đến Trung Quốc ý đồ sinh con rồi bán con cho người Trung Quốc.

Trong khi chưa có chế tài xử lý hình sự đối với hành vi mua bán bào thai, để ngăn chặn hiệu quả loại hình tội phạm này thì công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân để nhận diện tội phạm, không tiếp tay cho các ổ nhóm buôn người là điều cần thiết nhất.

Đức Yên