Không chỉ có hàng loạt chung cư mọc lên như nấm trên nhiều tuyến phố Hà Nội mà hiện nay tình trạng những phố nhỏ, ngõ nhỏ ở Hà Nội đang phải “gồng” mình “gánh” hàng nghìn căn hộ ở các chung cư cao tầng nối đuôi nhau mọc thêm ngày càng phổ biến, gây áp lực không nhỏ về hạ tầng, giao thông và sinh hoạt của người dân.
Áp lực lên hạ tầng ngày càng lớn, trong khi nhiều vấn đề như giao thông, trường học… các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra lời giải.
Tuyến đường Khương Trung (quận Thanh Xuân) gọi là phố nhưng thực chất cũng chỉ bằng những con ngõ lớn với chiều rộng lòng đường chỉ khoảng 3m. Con phố vốn đã chật hẹp, hằng ngày, cứ vào giờ tan tầm là xảy ra tình trạng ùn tắc triền miên. Thế nhưng với việc một dự án chung cư mọc thêm tại địa chỉ số 283 phố Khương Trung này, tắc đường đang dần trở thành nỗi ám ảnh với người dân trong khu vực.
Hạ tầng vốn đã quá tải, nay phải oằn mình gánh thêm một lượng cư dân khổng lồ từ dự án, chưa kể một tòa cao ốc với 250 căn hộ và trung tâm thương mại nằm ở phía dưới nằm ngay mặt đường đang chuẩn bị bước vào giai đoạn hoàn thiện.
Chị Bùi Thu Thủy (cư dân phường Khương Đình) cho biết, 2 đứa con nhà chị hiện đang học tại Trường THCS Nguyễn Trãi (nằm trên đường Khương Trung), mỗi chiều đến giờ đón con tan học không khác gì cực hình. “Bình thường chưa có chung cư đã tắc đường rồi. Bây giờ mọc thêm 3 tòa chung cư nữa thì đương nhiên là càng tắc trầm trọng hơn. Phố thì bé như cái ngõ mà cũng cài cắm chung cư vào thì đường sá nào chịu nổi”, chị Thủy chia sẻ.
Bà Vương Thị Ngần (nhà đối diện chợ Khương Trung) cho biết, con phố Khương Trung vốn dĩ trước kia chỉ là con đường làng nên lúc nào cũng đông đúc, nay thêm dự án chung cư thì tình trạng này càng thêm trầm trọng.
“Thêm cái chung cư vào đây nữa thì cư dân chúng tôi quá khổ. Thêm dân về không chỉ người lớn khổ mà các cháu nhỏ chúng nó cũng khổ. Lấy đâu ra trường cho các cháu học. Chung cư đẻ ra nhưng có đẻ ra trường đâu. Người đẻ ra được chứ đất nó có đẻ ra được đâu. Không hiểu quận, rồi cả thành phố nghĩ gì mà lại quy hoạch chung cư vào đây được”, bà Ngần bức xúc.
Hàng loạt chung cư chui vào ngõ, phố nhỏ đang gây ra nhiều hệ lụy cho hạ tầng khu vực. |
Con phố Chính Kinh, cũng nằm trên địa bàn quận Thanh Xuân, lòng đường cũng chỉ rộng chừng 4m, thế nhưng một dự án chung cư cũng đang mọc lên. Người dân khu vực này cũng đang rất lo ngại về việc tắc đường, cũng như hàng loạt áp lực chuẩn bị phải đối mặt. Một dự án chung cư cao 21 tầng tới đây sẽ đón thêm cả nghìn người dân nữa. Không gian vốn đã chật hẹp, thiếu thốn đủ thứ như: sân chơi, công viên… nay thêm một dự án chung cư lớn này nữa thì sinh hoạt người dân sẽ càng mệt mỏi.
Chị Nguyễn Ngọc Hoa, cư dân trên địa bàn cho biết, trước khu vực này là làng xã nay lên phố phường nên không gian sống của người dân ngày càng chật hẹp. “Đời sống cư dân ngày càng cao cần rất nhiều không gian thế nhưng công viên, sân chơi cho các cháu thì không thấy mà toàn thấy chung cư. Chung cư để làm gì khi ở trong những con phố chật hẹp thế này, mà người mua nhà chắc cũng chẳng ai hứng thú ở những nơi tắc đường triền miên, con không có chỗ học cả”, chị Hoa cho biết.
Tại các quận nội thành Hà Nội hiện có hàng chục dự án chung cư nằm trong các con ngõ, phố chật chội. Dưới góc nhìn của các chuyên gia, bức tranh quy hoạch của Hà Nội sẽ ngày càng rối rắm hơn khi vẫn có hang loạt chung cư được phép “chui” vào những con ngõ, phố nhỏ như hiện nay, kèm theo đó là hàng loạt hệ lụy khác mà hạ tầng sẽ phải đối mặt.
Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, thì tình trạng này là do các nhà quản lý chưa cân đối được vấn đề hạ tầng, môi trường, giao thông. Tất cả những thứ đó, không cân nhắc thì sẽ dẫn tới quá tải hạ tầng đa chiều.
“Tôi cho rằng, tất cả những vấn đề trên, chúng ta phải kiểm điểm lại, những người quản lý đô thị phải tự kiểm điểm để thấy rằng chúng ta cần rút ra điều gì để trong quá trình quy hoạch tiếp theo chúng ta có lời giải. Nếu không chúng ta lại tiếp tục ách tắc, nghẽn đường, không đảm bảo điều kiện sống cho người dân”, ông Võ nói.
Trong khi đó, theo TS Phạm Sĩ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng thì tình trạng cấp phép tràn lan cho các dự án chung cư cũng đặt ra vấn đề trong việc thực hiện quy hoạch chung Thủ đô, trong đó nổi cộm là sự thiếu tính toán, duyệt dự án một cách bừa bãi, tùy tiện. TS Phạm Sĩ Liêm cho rằng, điều đáng lo ngại hơn chính là sự đảm bảo an toàn cho các cư dân tại đây khi các sự cố như hỏa hoạn có thể xảy ra. Xe cứu hỏa, xe cứu thương… sẽ khó tiếp cận các tòa nhà khi xảy ra sự cố.
“Tính thanh khoản cũng như tỷ suất lợi nhuận của những dự án trong khu vực trung tâm luôn cao hơn ngoại thành. Do đó, các doanh nghiệp tìm mọi cách để xin cấp phép dự án trong khu vực này. Thực trạng này cũng cho thấy sự thiếu tính toán trong quy hoạch, duyệt dự án một cách bừa bãi, tùy tiện”, TS Phạm Sĩ Liêm cho hay.
TS Phạm Sĩ Liêm nhấn mạnh, nếu tình trạng này kéo dài thì bên được lợi sẽ chỉ có doanh nghiệp, còn cơ quan nhà nước phải chịu sức ép về quản lý do quá tải về hạ tầng, ùn tắc, dân số tăng…
Theo CAND