Theo một báo cáo từ hãng tin Bloomberg, Amazon và Google là hai hãng đã chi ra số tiền lớn nhất để "vận động hành lang" Quốc hội Mỹ và các chính trị gia, trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay.
Tổng số tiền mà 2 công ty này đã chi ra để "vận động hành lang" là 7,5 triệu USD, trong đó số tiền mà Amazon chi ra là 4,8 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái và Google là 2,7 triệu USD, tăng gần 50% so với quý I/2020.
Số tiền mà hai hãng này chi ra để "vận động hành lang" lớn hơn nhiều so với các công ty khác cho mục đích tương tự trong cùng khoảng thời gian.
Theo các nhà phân tích, động thái của Amazon và Google được xem là điều dễ hiểu khi mà cả hai công ty đang phải chịu sự giám sát chặt chẽ và ngày càng tăng từ các nhà lập pháp về nhiều vấn đề khác nhau.
Đối với trường hợp của Amazon, công ty này đang bị các nhà lập pháp giám sát sau khi có những cáo buộc về môi trường làm việc độc hại, ép buộc nhân viên làm việc quá giờ, không có thời gian nghỉ ngơi hợp lý và các cáo buộc về độc quyền. Còn đối với Google, công ty này cũng đang bị các nhà lập pháp Mỹ giám sát và điều tra về hành vi độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh.
Trước đó, vào mùa hè năm 2020, Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai, Giám đốc điều hành Amazon Jeff Bezos, Giám đốc điều hành Apple Tim Cook và Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đã phải điều trần trước Quốc hội Mỹ vì những cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh.
Google từ chối đưa ra bình luận về thông tin do Bloomberg đăng tải, trong khi đó, đại diện của Amazon cho biết: "Chúng tôi đang tập trung vào việc đảm bảo ủng hộ các vấn đề quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách, nhân viên và khách hàng của chúng tôi".
Hiện các hãng công nghệ lớn đang là mục tiêu nhắm đến của các nhà lập pháp tại Mỹ nhằm giảm bớt quyền lực của các công ty này. Theo một số báo cáo, các "ông lớn công nghệ" như Apple, Amazon, Google, Microsoft, Facebook… luôn là các công ty chi ra số tiền lớn nhất để "vận động hành lang" trong một thập kỷ qua.
(Theo Dân Trí, DTrends)
‘Chúng tôi đều sợ Google và Apple’
Các nhà sản xuất ứng dụng phụ thuộc vào chợ của Apple, Google bày tỏ sự sợ hãi trước quyền lực của hai gã khổng lồ này với việc kinh doanh của họ.