Ướp hương thảo mộc,mo cau thành tranh quý

Mo cau, loại vật liệu tưởng chừng bỏ đi, đã được chị Nguyễn Thị Diệu Hiền (Quảng Ngãi) chế tác thành những bức tranh độc đáo.

Chị Hiền cho biết, chị nảy sinh ý tưởng làm tranh từ mo cau và thảo dược vào năm 2020. "Đây là loại vật liệu quen thuộc với nhiều người nhưng nếu làm ra tranh sẽ rất độc đáo, chắc chắn được nhiều người ưa chuộng. Do đó tôi bắt tay vào làm. Tranh mo cau còn có mùi thơm của thảo mộc. Đây chính là điểm nhấn của sản phẩm", chị Hiền chia sẻ.

Biến những cành dừa vứt đi thành tranh độc đáo

{keywords}
Tranh giấy dừa độc đáo 

5 năm qua, anh Lê Thanh Hà (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đã dùng cành dừa cạn chế tạo ra giấy để làm tranh. Anh Hà kể, trong một lần đi dọc bờ biển từ Hội An về Đà Nẵng, anh thấy những cành dừa cạn bị gom lại, bỏ thùng rác. Anh nghĩ ngay đến việc tận dụng chúng để làm ra một loại giấy.

Chặt cành dừa thành từng đoạn nhỏ, anh lấy lõi trắng bên trong sau đó ngâm nước, còn lớp vỏ màu xanh bên ngoài và lá dừa được dùng để làm chất đốt. Những lõi dừa đem đi nấu với vôi trong 24h để cho ra xơ dừa chín rồi bỏ vào máy nghiền thành bột để làm ra tranh giấy dừa. Tranh làm từ giấy dừa không chỉ được ưa chuộng trong nước mà còn xuất đi nhiều nước trên thế giới.

Cho cà phê 'ăn' chuối, bơ, xoài thu bạc tỷ

Chủ nhân vườn cà phê đặc biệt này là ông Nguyễn Thanh Hải (thôn Phú Xuân, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa, Đắk Nông). Báo Dân Trí cho biết, vườn cà phê rộng gần 3 ha của gia đình ông Hải được chăm sóc bằng chế độ dinh dưỡng đặc biệt, giúp sản lượng luôn cao hơn 2-3 lần sản lượng trung bình.

Thay vì thu hoạch cà phê tuốt trái, ông Hải chọn phương pháp canh tác thả ngọn, cắt cành để giảm bớt chi phí thuê nhân công. Đặc biệt, vườn cà phê được ông cho "ăn" trái cây như chuối, xoài, bơ,... "Đây có thể là mô hình sản xuất cà phê hiếm hoi ở Đắk Nông tạo ra không gian đi bộ ngay trong vườn rẫy. Trong thời gian tới, gia đình dự kiến xây dựng thành mô hình du lịch sinh thái, kết nối với những điểm du lịch trên địa bàn", ông Hải chia sẻ.

Nhặt hạt về trồng, không ngờ thành siêu cây cổ quái 30 tỷ

{keywords}
Cây đa "Anh hùng tương ngộ" (Ảnh: Newsun Media)

Cách đây 16 năm, anh Nguyễn Văn Khiếu (quê tại Kinh Môn, Hải Dương) bắt gặp gốc đa có dáng thế như chúa sơn lâm. "Ngay khi nhìn thấy cây lần đầu tiên, tôi đã nghĩ bằng giá nào cũng phải mua được. Tôi bán hết 3 lô đất và tài sản để mua. Nếu tính giá trị, mỗi lô đất giờ đã 10 tỷ đồng... Người chủ cũ kể rằng, từ rất lâu rồi, ông cha nhiều đời trước của anh ấy đã mang hạt của cây đa này từ vùng núi Yên Tử về trồng. Cây lớn lên đã thành hình độc lạ thế này mà không cần uốn nắn", anh Khiếu tâm sự trên Doanh Nghiệp và Tiếp Thị.

Ước tính tuổi đời cây đa lên đến 200 năm, với chiều dài 2m, cao 2,5m, được trồng trong chậu. Đến tháng 6/2021, cây đa cảnh xác lập Kỷ lục độc bản Việt Nam do tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao tặng.

Sanh cổ độc long, vườn sanh lọng độc nhất vô nhị 

Trong làng cây cảnh, có những cây sanh thuộc hàng độc nhất vô nhị, rất quý hiếm. Cây sanh cổ "Độc long kim cương" của ông Hoà Taxi từng gây xôn xao làng cảnh Việt Nam khi có một thượng khách sẵn sàng trả 1 triệu USD (22 tỷ đồng) để sở hữu, nhưng nghệ nhân người Hưng Yên nhất quyết không bán. Tên cây có ý nghĩa là cây độc nhất vô nhị. Dáng của cây mang hình con rồng, biểu tượng cho sự quyền quý, cao sang và thường được đặt để trong cung vua, chúa thời trước.

Cũng liên quan đến sanh, nhà vườn Chung Đức (ở Điền Xá, Nam Trực, Nam Định) nổi tiếng với những cây sanh lọng quý hiếm có tuổi đời lên đến hàng chục năm. Nhà vườn Chung Đức có khoảng hơn 40 cặp sanh lọng, có tổng giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng.

Bưởi miền Tây “mặc áo” sốt hàng vụ Tết

Cho bưởi “mặc áo” nghe có vẻ lạ đời, nhưng đây là cách làm đầy sáng tạo của anh Lê Vĩnh Thọ (38 tuổi, ngụ tại xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long). Báo Lao Động cho hay, nhờ cách làm này anh Thọ đã tạo ra những quả bưởi tam hồng to, chín mọng.

{keywords}
Bưởi tam hồng khi chín, vỏ bên ngoài có màu hồng nhạt. (Ảnh: Lao Động)

Theo đó, thay vì trùm túi lưới hoặc túi giấy, anh Thọ quyết định cho những quả bưởi của mình khoác một lớp vải. Theo anh Thọ, việc sử dụng túi vải mang lại nhiều ưu điểm như chi phí không cao, độ bền lâu, có thể tái sử dụng từ 2-3 vụ, đặc biệt thích ứng tốt trong điều kiện thời tiết mưa dầm ở miền Tây.

Giống gà lạ đắt ngang xe SH

Bị gọi là gàn dở vì bỏ việc lương cao về quê chăn gà nhưng anh Nguyễn Quang Nam (SN 1984, tại xã Tráng Việt, Mê Linh, Hà Nội) đã chứng minh quyết định khởi nghiệp của mình là đúng.

Anh Nam kể trên VTC News, bắt đầu khởi nghiệp, anh Nam chọn mang gà tre Tân Châu ra miền Bắc để nhân giống. Bằng đam mê và nỗ lực không ngừng, giờ đây anh Nam đã tự xây dựng một “vương quốc gà” khang trang. Những con gà Tân Châu trong trang trại được đích thân anh Nam tuyển chọn và nhân giống nên chúng đều có hình dáng bắt mắt và màu lông độc, lạ. Mỗi tháng trang trại gà của Nam thu về 80-100 triệu đồng.

Bánh tráng thanh long đắt hàng dịp Tết 2022

Bánh tráng thanh long của bà Trần Thị Thúy Liễu (ở làng nghề bánh tráng Cù Lao Mây, xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) đang rất đắt hàng. Theo Báo Dân Việt, gần Tết dương lịch và Tết Nguyên đán 2022, bà Liễu làm ra bao nhiêu cũng được khách mua hết.

Bà Liễu cho biết, bánh tráng thanh long được làm từ bột gạo, trái thanh long ruột đỏ (xay nhuyễn), sữa, đường, mè, nước cốt dừa, nước. Sản phẩm khá bắt mắt, có độ ngọt vừa phải, béo, thơm mùi thanh long, hương sữa. Giá bánh tráng thanh long là 32.000 đồng/chục.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)

Đĩa oản đào tiên cúng Tết: Mua 1 lần thắp hương suốt nửa năm

Đĩa oản đào tiên cúng Tết: Mua 1 lần thắp hương suốt nửa năm

Khác với bánh oản được in và tạo hình bằng khuôn thường hay hình hoa sen, năm nay xuất hiện loại oản đào tiên 5 quả, hay oản tài lộc, kích cỡ khủng. Dù giá thành không hề rẻ nhưng thu hút sự chú ý của khách nhà giàu.