Thận trọng trước việc Trung Quốc tăng cường các cơ sở hạ tầng dọc biên giới, Ấn Độ đã lặng lẽ xây dựng bãi đáp hiện đại cho máy bay vận chuyển của lực lượng không quân tại Dharasu ở Uttarakhand để hỗ trợ vận chuyển quân đội nhanh chóng trong trường hợp xảy ra xung đột.
Đường sắt cao tốc và sức mạnh quân sự Trung Quốc
Bãi đáp máy bay xây dựng tại khu vực đồi núi Uttarkashi ở độ cao hơn 800 mét so với mặt biển, giáp Trung Quốc, đã đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2010 mà không cần phô trương, với sự hạ cánh của một máy bay vận chuyển tầm trung AN-32 của Không quân Ấn Độ (IAF).
Ảnh minh họa: wordpress |
Dharasu là một “thách thức chuyên môn” trong nhiều năm với IAF và “cuộc thử nghiệm hạ cánh” của máy bay AN-32 đã được phi đội 12 của IAF thực hiện. "Bãi đáp nằm trong khu vực đồi núi nên hạn chế việc tiếp cận. Nó nằm ở độ cao hơn 800 mét so với mặt biển và chiều dài có thể sử dụng được cho việc hạ cánh là hơn 1.000 m”, tạp chí cho biết.
Tuy nhiên, quan chức quân sự liên quan khi được hỏi về thông tin chi tiết bãi đáp đã từ chối bình luận với lý do quân sự.
Việc mở cửa cho hoạt động hàng không của Dharasu xuất hiện hai năm sau khi Ấn Độ bắt đầu ý thức nâng cấp và triển khai các bãi đáp máy bay dọc theo đường biên giới Trung - Ấn dài 4.057km.
Ngoài việc huy động cho mục đích quân sự, các bãi đáp máy bay được nâng cấp sẽ đảm bảo cho vận chuyển dân thường và hàng hóa không bị gián đoạn khi giao thông đường bộ bị ảnh hưởng vì thời tiết khắc nghiệt mùa đông.
Daulat Beg Oldi nằm ở ngã ba của Jammu, Kashmir và Aksai Chin, có bãi đáp hiện đại đầu tiên được triển khai. Một đường băng ở phía bắc Ladakh với độ cao gần 5.000 mét so với mặt biển và cách khu vực biên giới Trung - Ấn khoảng 9km đã đi vào phục vụ các loại máy bay AN-32 kể từ 31/5/2008.
Chỉ sáu tháng sau đó, IAF đã mở cửa bãi đáp Fukche - một đường băng cũ bị bỏ quên sau cuộc chiến năm 1962 ở độ cao hơn 4.000 mét so với mặt biển và cách biên giới hai nước chỉ khoảng 3km ở phần đông nam Ladakh - vào tháng 11/2008 để phục vụ cho máy bay AN-32.
Ngày 18/9/2009, Không quân Ấn Độ lần đầu tiên đã thực hiện đổ bộ tại Nyoma ở phía đông nam Ladakh, cách biên giới Trung - Ấn 23km. Nyoma thường được sử dụng như một căn cứ trực thăng của IAF trước khi AN-32 có mặt tại đây.
Sau khi phục hồi hoạt động các đường băng ở khu vực miền tây và trung dọc biên giới Trung - Ấn, IAF cũng đang nỗ lực nâng cấp các bãi đáp máy bay ở phía đông vùng biên giới như Pasighat, Mechuka, Walong, Tuting, Ziro và Vijaynagar…
Vài năm gần đây, Trung Quốc đã
xây dựng một số căn cứ không quân ở khu vực Tây Tạng, gần biên giới với Ấn Độ,
đồng thời nâng cấp cơ sở hạ tầng đường bộ và đường sắt nối tới khu vực này, cho
phép điều động nhanh chóng quân đội.
Ấn Độ đã phản ứng trước việc Trung Quốc tăng cường quân sự bằng cách củng cố hệ thống đường bộ và cơ sở hạ tầng không quân ở khu vực biên giới, đồng thời triển khai các máy bay chiến đấu tại những căn cứ tiền tiêu gần biên giới, tăng cường hai đơn vị mới cho vùng núi đông bắc.