Nội dung, ý nghĩa chương trình xây dựng NTM được triển khai với nhiều hình thức tuyên truyền cổ động trực quan, các cuộc thi tìm hiểu về đề tài NTM, thông qua sân khấu hóa, liên hoan văn hóa - văn nghệ, tập huấn, thi đấu thể thao, tọa đàm… Qua đó, nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội về vai trò, trách nhiệm xây dựng đời sống văn hóa trong xây dựng NTM được nâng lên. Người dân xác định xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng NTM là công việc của chính mình. Nhiều nét đẹp trong văn hóa, ứng xử đã góp phần tạo dựng môi trường sống lành mạnh trong cộng đồng dân cư, ở mỗi gia đình, cá nhân, nhiều vùng nông thôn đã có những thay đổi khởi sắc hơn trước.

{keywords}
An Giang thí điểm xây dựng 17 trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng tại 17 xã điểm NTM

Các hoạt động văn hóa dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số và người dân nông thôn được quan tâm, chú trọng, phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ của bà con. Qua đó, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, giữ vững an ninh biên giới, lãnh thổ. Các lễ hội truyền thống được giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, tìm hiểu văn hóa các dân tộc. Đó là các hoạt động quảng bá văn hóa của cộng đồng người Khmer, người Chăm ở An Giang, các hoạt động văn hóa - nghệ thuật của người Hoa… góp phần tăng cường đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc anh em.

Công tác quản lý nhà nước về văn hóa - nghệ thuật được tăng cường với nhiều biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được quan tâm; các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư nâng cấp, đổi mới phương thức tổ chức và hoạt động, đội ngũ làm công tác được tập trung đào tạo. Qua đó, các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao quần chúng phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần tạo sân chơi lành mạnh, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần nhân dân.

Trong thực hiện tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa: các công trình văn hóa công lập ở cơ sở (nhà văn hóa, trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng cấp xã) tiếp tục được đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng nhu cầu tổ chức các hoạt động văn hóa phục vụ nhân dân. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh thí điểm xây dựng 17 trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng tại 17 xã điểm NTM, với tổng kinh phí khoảng 200 tỷ đồng và hỗ trợ các xã điểm NTM xây dựng điểm sinh hoạt văn hóa - thể thao đạt chuẩn. Ngoài ra, tư nhân còn đầu tư và tài trợ tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, như: câu lạc bộ đờn ca tài tử, hát với nhau, biểu diễn thời trang và thi đấu bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, quần vợt… Đến nay, có 72/119 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, tỷ lệ 60,5%.

Đối với tiêu chí số 16 về văn hóa: phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng phát triển đã tạo môi trường văn hóa lành mạnh trong toàn xã hội. Ý thức tự giác của người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được nâng lên, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Đặc biệt, người dân ý thức hơn, tích cực tham gia các hoạt động, phong trào ở địa phương, như: đóng góp xây dựng cầu, đường giao thông, bảo vệ môi trường, tham gia các hoạt động xã hội-từ thiện… Đã có 117/119 xã đạt tiêu chí về văn hóa, tỷ lệ 98,32%.

Qua thực hiện tiêu chí về văn hóa (tiêu chí số 6 và 16) trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM cho thấy, mối quan hệ giữa xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng NTM có sự gắn kết chặt chẽ với nhau. Nâng chất đời sống văn hóa đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm người dân; để người dân đồng thuận tham gia mọi hoạt động ở địa phương, tích cực đóng góp vào các phong trào, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng NTM, xây dựng địa phương ngày càng phát triển.   

Văn Hùng
Ảnh: Hồng Khanh