Người đàn ông 57 tuổi quê Hòa Bình, vào Bệnh viện Bạch Mai cuối tháng 8 trong tình trạng đau bụng, sốt, vàng da, mệt mỏi, nước tiểu sẫm màu. Qua khai thác tiền sử bệnh nhân hay ăn gỏi cá. Khoảng một tháng nay, tình trạng bệnh ngày càng nặng lên, đi khám ở nhiều nơi nhưng không phát hiện ra bệnh.

Các bác sĩ tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai phát hiện thấy nhiều sán lá gan trưởng thành kích thước khoảng 0,5 - 1cm chui ra theo ống dẫn lưu ra ngoài, kèm theo xét nghiệm phân thấy được trứng sán.

Bệnh nhân được chẩn đoán xác định nhiễm sán lá gan nhỏ ký sinh ở gan gây ra tắc, nhiễm trùng đường mật. Từ đó, vi trùng chui vào máu gây ra nhiễm trùng máu kèm theo nên rất dễ chẩn đoán nhầm với nhiễm trùng máu hoặc ung thư đường mật. 

Tình trạng nhiễm giun, sán, vào viện do thói quen thường xuyên ăn gỏi hải sản như gỏi cá, tôm, cua... không hiếm. Một nam bệnh nhân (31 tuổi, quê Điện Biên) nhập viện Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng tràn dịch, tràn khí màng phổi. Sau khi làm các xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân dương tính với loại Paragonimus (sán lá phổi).

Khai thác tiền sử bệnh nhân được biết, trước đó khoảng 1 tháng, bệnh nhân lên chơi nhà bạn ở Lai Châu và có ăn món gỏi cua sống. Sau vài tuần, bệnh nhân có dấu hiệu mệt mỏi, sút cân, buồn nôn. Thậm chí, khi hoạt động gắng sức, bệnh nhân còn cảm thấy bị khó thở, đuối sức và ho.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từng tiếp nhận bệnh nhân bị nhiễm độc sau khi ăn gỏi cá rô phi. Bệnh nhân là ông N.V.T (54 tuổi, Hải Phòng). Một ngày sau bữa nhậu gỏi cá rô phi, ông T. sốt, chân tê và không thể cử động được. Khi được cấp cứu tại Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng, ông được chẩn đoán nhiễm độc do “vibrio parahaemolyticus”, còn gọi là “tả biển”, một loại vi khuẩn thường có trong các loại thủy sản như cá, tôm…

Bệnh nhân nhanh chóng rơi vào trạng thái sốc, suy giảm chức năng gan, thận; cần tới vận mạch để duy trì huyết áp. Tình trạng chân phải nhiễm trùng trầm trọng, bệnh nhân được tiến hành rạch tháo mủ ở cẳng chân phải và chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Dù giữ được tính mạng, giữ được chân nhưng ông T. sẽ mất nhiều thời gian tập phục hồi chức năng để có thể trở lại cuộc sống bình thường. 

Sướng miệng hại thân

Nhiều địa phương có thói quen ăn cá sống, gỏi cá với nhiều hình thức, có thể là cá được cắt thành những miếng nhỏ, trộn với thính, gia vị, rau thơm. Trong khi một số nơi, người dân ăn trực tiếp cả cá, tôm sống, có thể nhúng qua nước chanh, thêm sả, ớt cuộn trong bánh đa nem cùng một số loại rau, củ, quả rồi chấm mù tạt pha loãng với xì dầu, ăn sống...

W-goi-tom-1.jpg
Ăn gỏi tôm, cá, cua... sống tiềm ẩn nguy cơ nhiễm giun, sán... Ảnh: Hoàng Linh

Nhiều người thích ăn gỏi hải sản hơn bởi độ tươi "nguyên chất", không có cảm giác ngán như các món ăn được nấu chín. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho biết dù cẩn trọng đến mấy, việc ăn gỏi hải sản, ăn thịt chưa nấu chín cũng khó tránh được nguy cơ nhiễm các loại vi khuẩn, ký sinh trùng giun, sán…  

Khi ăn các món không bảo đảm vệ sinh, nhẹ thì đau bụng, tiêu chảy, nếu nặng phải nhập viện điều trị, thậm chí đe dọa tính mạng. 

PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo, người dân cần thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn các loại cá, ốc, các loại rau sống, rau thủy sinh chưa nấu chín…; Thực hiện rửa tay vệ sinh sạch sẽ trước khi ăn, uống thuốc tẩy giun sán định kỳ.

Nếu nghi ngờ nhiễm bệnh, phải đến các cơ sở khám chữa bệnh để được khám, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Ngoài ra, các bác sĩ tuyến cơ sở cũng cần phải được tập huấn, lưu ý bệnh sử, tiền sử và làm thêm các xét nghiệm khẳng định sán để chẩn đoán và sử dụng thuốc theo đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế.

Hoàng Linh