Trước đây kinh tế khó khăn, lâu lâu người ta mới tổ chức ăn nhậu . Bây giờ, đi đến địa phương nào cũng vậy, quán nhậu nhiều hơn bất kỳ loại hình kinh doanh nào, quán nào cũng đông khách, nhà nhà ăn nhậu, người người ăn nhậu... một hình ảnh rất phản cảm trong một xã hội văn minh.

Trước hết, cần khẳng định tật xấu của một dân tộc (theo nghĩa là tộc người) chính là nét tính cách của dân tộc đó. Trong tính cách dân tộc, có những nét tính cách tốt, có những nét tính cách xấu, thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của dân tộc đó. Chúng ta cũng không nên so sánh tính cách của dân tộc nào tốt hơn bởi trong những nét tính cách tích cực cũng hàm chứa biểu hiện tiêu cực và ngược lại. Và, ở mỗi dân tộc những nét tính cách tích cực hoặc tiêu cực được biểu hiện một cách rất riêng.

Trên cơ sở kế thừa các công trình nghiên cứu về tính cách của người Việt cùng với những trải nghiệm, quan sát, ghi nhận của bản thân... trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập đến một trong những tật xấu của người Việt đó chính là tật "thích ăn nhậu".

Theo Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 9 ngày nghỉ Tết Bính Thân từ 28 đến mùng 7 Tết (từ ngày 6 đến 14/2) cả nước xảy ra 408 vụ tai nạn giao thông, làm chết 300 người, bị thương 380 người. Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng theo ước tính gần 1/2 các vụ tai nạn giao thông xuất phát từ nguyên nhân người người điều khiển phương tiện uống rượu bia.

Có lẽ ai cũng phải giật mình khi xem các số liệu thống kê trên. Tuy nhiên đó lại là điều hết sức bình thường ở Việt Nam hiện nay, bởi vì ngày thường cũng vậy, tai nạn giao thông do uống rượu bia là rất phổ biến. Vậy, "thích ăn nhậu" có phải là nét tính cách của người Việt hay không? Tại sao Việt Nam lại trở thành nước tiêu thụ bia đứng top 5 ở Châu Á, top 25 trên thế giới?...

{keywords}
Xe ôtô do ôngTrần Quang Hùng Viện trưởng Viện KSND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) say rượu, lái xe gây tai nạn liên hoàn rồi bỏ chạy khiến 5 nguời bị thương tối 4/12/2015 - Ảnh: Bá Dũng

Về tật xấu "thích ăn nhậu" của người Việt, theo quan điểm của tôi có lẽ đây là một nét tính cách dân tộc mới được hình thành trong vài chục năm gần đây khi đời sống người dân được nâng cao cùng với sự phát triển của đất nước.

Trước đây kinh tế khó khăn, lâu lắm người ta mới tổ chức ăn nhậu theo nhóm đông, bình thường ai khá giả nhâm nhi vài ly rượu trong bữa ăn đã là xa xỉ. Bây giờ, đi đến địa phương nào cũng vậy, quán nhậu nhiều hơn bất kỳ loại hình kinh doanh nào, quán nào cũng đông khách, nhà nhà ăn nhậu, người người ăn nhậu... một hình ảnh rất phản cảm trong một xã hội văn minh.

Thành phần tham gia các cuộc ăn nhậu cũng rất đa dạng từ trẻ đến già, từ nam đến nữ, bất kể ngành nghề nào. Trước đây, ở một mỗi vùng miền có phong cách ăn nhậu khác nhau nhưng người tham gia các cuộc ăn nhậu chủ yếu vẫn là đàn ông, phụ nữ cũng có nhưng rất ít.

 Hiện nay, nam nữ bình quyền, việc ăn nhậu cũng vậy, nữ cũng như nam đều có thể ăn nhậu. Tuy nhiên, theo ghi nhận của tác giả phụ nữ miền Bắc và miền Trung ít ăn nhậu hơn phụ nữ miền Nam. Trong số phụ nữ tham gia ăn nhậu, chủ yếu là công chức nhà nước, giới doanh nhân, đặc biệt là phụ nữ trẻ...

Tôi đã từng chứng kiến nhiều cuộc nhậu, không ít phụ nữ còn uống nhiều hơn cả nam, khi say còn có nhiều trò hay hơn cả nam giới và từ đó nảy sinh rất nhiều hệ lụy khác.

Lý do tổ chức ăn nhậu rất phong phú, đa dạng có đến 1001 lý do để tổ chức các cuộc nhậu. Ngoài các lý do truyền thống như: tân gia, đám thôi nôi, đầy tháng, tân gia, đám cưới... còn xuất hiện những lý do mới để tổ chức các cuộc nhậu như: bạn bè lâu ngày gặp nhau phải lai rai xíu để rôm rả; mới mua xe mới cũng phải ăn nhậu gọi là "rửa xe"; mới lên chức, lên lương; họp đồng hương, đồng môn; đón nhân viên mới, tiễn nhân viên luân chuyển công tác; tất niên, tân niên; tổng kết, sơ kết; thậm chí bè phái, nói xấu người khác cũng phải tổ chức ăn nhậu để thể hiện sự đồng lòng....

Không thể kể hết những lý do mà "hội ăn nhậu" đặt ra để tổ chức các cuộc nhậu và theo những bợm nhậu đó đều là những lý do không thể từ chối.

Mức độ, cường độ, thời lượng của cuộc nhậu hiện nay cũng khác nhiều so với trước đây. Trước đây, người ta thường tổ chức ăn nhậu một tăng, hiện nay thường phải có tăng 2, tăng 3 theo một qui luật chung: tăng 1 ăn uống cơ bản; tăng 2 hát Karaoke hoặc nhậu có em út; tăng 3 là massage hoặc gì đó... Các đấng mày râu thường đi hết 3 tăng, còn chị em phụ nữ chỉ dừng lại tăng 2. Nếu nhậu chỉ có tăng 1, người nhậu cảm thấy thiếu thiếu, khó chịu, lâu ngày thành thói quen, nhậu xong tăng 1 là phải tăng 2.

Cường độ uống rượu bia trong các cuộc ăn nhậu cũng rất vô chừng và theo nhiều phong cách khác nhau do các địa phương và bợm nhậu tự đặt ra cũng rất phong phú, đa dạng nhưng cho dù kiểu nào đi nữa thì người tham gia cuộc nhậu cũng phải uống một lượng bia, rượu rất nhiều khi tàn cuộc nhậu....

Với mức độ, cường độ, thời lượng ăn nhậu như trên, ăn nhậu được xem là nhu cầu tất yếu của cuộc sống nên nhiều người cũng đánh giá nhân cách, phẩm chất, năng lực của người khác bằng năng lực ăn nhậu.

Nhiều lãnh đạo, đánh giá năng lực của nhân viên bằng những tiêu chí như: biết ý sếp trong việc ăn nhậu (thích ăn món gì; thích nhậu ở quán nào; uống rượu, bia loại nào...); biết "gánh" cho sếp hay không; uống khỏe hay yếu; phong cách ăn nhậu thế nào... Vì vậy, việc cất nhắc, trọng dụng nhân viên cũng dựa vào các tiêu chí này.

Hệ quả của việc ăn nhậu là gì có lẽ ai cũng rõ, nặng thì bị tai nạn giao thông, đột quỵ... nhẹ thì say xỉn, ói mửa ảnh hưởng đến sức khỏe, trí tuệ, công việc và còn nhiều hệ lụy tiêu cực phát sinh từ việc ăn nhậu như: ngoại tình, hiếp dâm, cướp giật...

Nhiều địa phương cũng ban hành các Nghị quyết, quy định cấm cán bộ công chức uống rượu bia trong giờ làm việc nhưng xem ra không mấy hiệu quả vì các bợm nhậu vẫn có nhiều cách để lách luật. Một trong những cách phổ biến nhất là nếu ăn nhậu buổi trưa thì xin nghỉ luôn cả buổi chiều, như vậy sẽ không bị chất vấn là say xỉn trong giờ làm việc.

{keywords}
Thói thích ăn nhậu cuả người Việt. Ảnh minh họa

Như vậy, với thực trạng như trên, tật "thích ăn nhậu" có được xem là một nét tính cách dân tộc của người Việt hay chưa. Tiêu chí cơ bản để xem xét một nét tính cách nào đó có phải là nét tính cách dân tộc hay là: tính phổ biến; tính điển hình; tính đặc trưng; tính bền vững, ổn định... Có lẽ tật xấu này hội đủ các tiêu chí để xác định là một nét tính cách tiêu cực của người Việt.

Tuy nhiên, khi rượu, bia vẫn được xem là một trong những "phát minh, sáng chế vĩ đại" của nhân loại và nhu cầu ăn nhậu vẫn là nhu cầu thiết yếu của người Việt, "thích ăn nhậu" sẽ tiếp tục tồn tại một cách "ổn định", "bền vững" trong tính cách của người Việt.

Vấn đề là mỗi cá nhân có ý thức được tác hại của việc ăn nhậu để kịp thời điều chỉnh, hạn chế việc ăn nhậu theo đúng chừng mực từ đó hạn chế thấp nhất hậu quả từ nét tính cách này.

Tiến sĩ Tâm lý học Đoàn Văn Báu (Khoa Tâm lý – Đại học An ninh nhân dân)

BẠN NGHĨ GÌ VỀ QUAN ĐIỂM NÀY? MỌI ĐÓNG GÓP XIN GỬI THEO MẪU PHẢN HỒI DƯỚI ĐÂY HOẶC EMAIL BANDOISONG@VIETNAMNET.VN! TRÂN TRỌNG CẢM ƠN!

Tin liên quan: