Tai nạn của chiếc máy bay An 12 ở nam Sudan cũng không làm mờ hình ảnh của dòng máy bay AN “nồi đồng cối đá” huyền thoại của Liên bang Xô Viết. Đây là dòng máy bay được Liên Xô chế tạo trong các năm từ 1957 đến 1973. Trong khoảng thời gian đó đã có 1.248 chiếc và đến nay vẫn còn 190 chiếc hoạt động.
Huyền thoại Liên Xô
AN là hai chữ đầu của Olek Constantinoviv Antonov (1906 - 1985) - người khai sinh ra dòng máy bay trên.
Đến với kỹ thuật hàng không rất sớm và ngay từ đầu, Antonov đã tỏ rõ năng khiếu của mình. 18 tuổi, ông đã giành được giải thiết kế tàu lượn. Năm 23 tuổi, ông cho ra đời mẫu tàu lượn Standart - 1, ngày nay nó vẫn có mặt trong giáo trình dành cho sinh viên theo học ngành kỹ thuật hàng không.
Năm 1930, sau khi tốt nghiệp trường hàng không, Antonov được cử đến Mátxcơva với nhiệm vụ tổ chức phòng thiết kế tàu lượn. Rất nhanh chóng, người kỹ sư trẻ này đã trở thành kỹ sư trưởng của nhà máy sản xuất tàu lượn. Chiếc tàu lượn A - 7 do ông thiết kế đã đoạt giải nhất trong cuộc thi năm 1940, được sản xuất hàng loạt và đưa vào phục vụ chiến tranh với công tác hiệu chỉnh tầm bắn cho pháo binh.
Một chiếc máy bay Antonov An-72 |
Năm 1946, Antonov được giao phụ trách phòng thiết kế máy bay phục vụ cho nông nghiệp, đó cũng là thời điểm mở đầu cho sự nghiệp vinh quang của ông; là nơi khởi nguồn cho dòng máy bay AN nổi tiếng do ông chủ trì nghiên cứu.
Hai năm sau ngày thành lập, tập thể do Antonov lãnh đạo đã cho ra đời chiếc AN -2 hai tầng cánh, loại máy bay được đánh giá bền nhất trong lịch sử chế tạo máy bay của thế giới. Hiện nhiều nước vẫn dùng nó để bay gieo hạt, phun thuốc trừ sâu…
Tiếp đó, các thế hệ máy bay AN lần lượt ra đời. Đến năm 1958, tập thể của Antonov đã hoàn thành chiếc AN 10. Được coi là một trong những máy bay chở khách lớn hồi đó; đã đoạt huy chương vàng tại hội chợ hàng không ở Brussels.
Năm sau, trên cơ sở AN 10, máy bay AN 12 xuất hiện. Những loại máy bay vận tải đa năng, có động cơ gắn trên cánh như AN 2 qua AN 8 đến AN 12…. đã trở thành thiết kế kinh điển, là một trong những cống hiến lớn của Antonov cho ngành hàng không thế giới.
Dấu ấn đỉnh cao
Năm 1959, An 24 loại máy bay chở khách có hai động cơ cánh quạt ra đời. Đó là loại máy bay chở được 50 hành khách hoặc 5 tấn hàng, bay ở độ cao hơn 8000 mét, có tốc độ 500 km/h, bán kính hoạt động đến 2000 km.
Ngay khi vừa xuất xưởng, AN 24 được đánh giá là một trong những máy bay chở khách hiện đại ở thời điểm đó và cho đến nay nó vẫn được nhiều hãng hàng không sử dụng trên các tuyến bay nội địa.
Bên cạnh cho ra đời những máy bay vận tải cỡ lớn, Antonov còn nghiên cứu chế tạo nhiều loại máy bay để nhằm đáp ứng cho những nhu cầu khác nhau; là những chiếc máy bay nhỏ phục vụ cứu thương, nông nghiệp, chẳng hạn như chiếc AN 14 với tên gọi "Con ong", chỉ cần chạy đà 40 mét, có thể cất hạ cánh trên đường ô tô và thậm chí cả trên bãi cỏ; hay những chiếc AN 72, AN 74 là đại diện cho những thế hệ máy bay phản lực cất hạ cánh trên đường băng ngắn.
Năm 1965, chiếc An 22, loại máy bay mở đầu cho thế hệ máy bay đạt tới đỉnh cao kỹ thuật hàng không của Antonov, ra đời. Khi xuất hiện tại hội chợ hàng không Paris, AN 22 đã gây kinh ngạc không chỉ cho người xem mà cả những chuyên gia kỹ thuật hàng không thế giới, đem lại vinh quang cho ngành hàng không Xô Viết.
Được trang bị 4 động cơ tuabin cánh quạt, với tổng công suất 60.000 mã lực, AN 22 có thể bay xa 11.000 km với vận tốc 650 km/h và đáng ngạc nhiên hơn nó có thể chở được 80 tấn hàng hay 720 hành khách một kỷ lục về tải trọng của máy bay.
Đặc biệt, với thiết kế khá hoàn hảo, AN 22 không chỉ có thể chở nặng mà nó còn chở được những hàng cồng kềnh, bụng của nó chứa được 3 xe buýt.
Cũng từ đó, dòng họ máy bay AN được bổ sung thêm những máy bay vận tải cỡ lớn. Ngày 26 tháng 1 năm 1986, chiếc AN 124, niềm kiêu hãnh của hàng không Xô Viết có chiều dài 73,3 mét sải cánh 69,1 mét đã cất cánh mang hơn 400 tấn hàng trong bụng, dù khi đó Antonov đã qua đời; và ba năm sau vào ngày 21 tháng 12 năm 1988, chiếc AN 225 có trọng tải lên 600 tấn đã cất cánh và cho đến nay nó vẫn giữ kỷ lục về tải trọng của máy bay.
Năm 1985, con người lao động không biết mệt mỏi ấy đã qua đời, ông đã để lại hơn 200 công trình nghiên cứu, 60 bằng phát minh đó là những tri thức kinh điển về chế tạo máy bay cho ngành công nghiệp hàng không thế giới.
Trước khi lâm chung, ông vẫn còn nghĩ đến AN 124, An 225 những đứa con khoa học của ông chưa kịp chào đời. Ngày nay, các phiên bản và các thế hệ mới của dòng máy bay AN vẫn được Nga và Ukraine hợp tác sản xuất, đó là những sản phẩm mở ra triển vọng mới cho ngành công nghiệp hàng không của cả hai nước.
Văn Đại