Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm ngày 6/5 (theo giờ Việt Nam), virus corona chủng mới đã tấn công 212 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, lây nhiễm cho hơn 3,7 triệu người và khiến 257.896 trường hợp trong số đó tử vong. Tuy nhiên, thế giới cũng chứng kiến gần 1/3 số bệnh nhân Covid-19 (hơn 1,3 triệu người) được chữa khỏi.

{keywords}
Các bác sĩ đang chăm sóc cho một ca bệnh Covid-19 nặng tại bệnh viện Hoàng gia Papworth ở Cambridge, Anh. Ảnh: AP

Anh vượt Italia trở thành nước có nhiều ca tử vong nhất châu Âu

Anh vừa trải qua một ngày chết chóc khi số người thiệt mạng vì virus corona chủng mới tại nước này hiện cao nhất châu Âu và xếp thứ hai sau Mỹ xét trên toàn cầu.

BBC dẫn lời Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết, chỉ trong vòng 24 giờ qua, Anh có thêm 693 ca tử vong vì Covid-19, nâng tổng số trường hợp thiệt mạng vì dịch trên toàn quốc tính đến hết ngày 5/5 lên 29.427 người, cao hơn Italia với 29.315 ca tử vong và chỉ kém Mỹ với 72.023 người chết. Tổng số ca mắc Covid-19 ở đảo quốc sương mù hiện là 194.990 người, tăng 4.406 người so với một ngày trước đó.

Cho đến nay, nhà chức trách Anh đã tiến hành gần 1,4 triệu xét nghiệm Covid-19 trên cả nước. Số người chết vì dịch bệnh tăng cao đang tạo thêm áp lực cho Thủ tướng Boris Johnson về cách thức làm chậm lại sự lây lan của virus. Ông Johnson đã ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 23/3, đồng thời yêu cầu người dân ở nhà, chỉ được phép ra ngoài để đi làm, mua nhu yếu phẩm, thuốc men hoặc tập thể dục.

Tại cuộc họp báo thường nhật mới nhất của Chính phủ Anh về Covid-19, Ngoại trưởng Raab khẳng định, người dân nước này sẽ phải thích nghi với "những điều bình thường mới" khi nhà chức trách cân nhắc các bước đi tiếp theo nhằm dập dịch. London vừa ban hành hướng dẫn mới về giãn cách tại nơi làm việc, trong đó các nhân viên văn phòng được khuyến khích làm việc tại nhà trong nhiều tháng.

Indonesia hoãn bầu cử vì Covid-19

Theo giới chức y tế Indonesia, nước này có thêm 484 ca nhiễm mới Covid-19 trong ngày 5/5, mức tăng kỷ lục trong ngày kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 12.071 người. Trong 24 giờ qua, thêm 8 ca tử vong được ghi nhận, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 thiệt mạng ở quốc gia Đông Nam Á này lên 872 người.

Để ứng phó, Quốc hội và Chính phủ Indonesia đã thông qua quyết định hoãn tổ chức bầu cử địa phương vào ngày 23/9 như kế hoạch ban đầu. Theo sắc lệnh mới ký của Tổng thống Joko Widodo, các vòng bỏ phiếu sẽ được tổ chức vào ngày 9/12 và có thể tiếp tục bị hoãn nếu dịch Covid-19 vẫn hoành hành trong lãnh thổ vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, các quan chức Chính phủ Indonesia bày tỏ lạc quan rằng nước này sẽ vượt qua được dịch bệnh vào tháng 6 tới đây.

Số ca tử vong tại Pháp tăng trở lại ngày thứ hai liên tiếp

Bộ Y tế Pháp cho biết, số trường hợp thiệt mạng vì virus corona chủng mới tại nước này đã tăng trở lại ngày thứ hai liên tiếp, sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng Ba. Theo CNN, chỉ trong vòng 24 giờ qua, ít nhất 330 bệnh nhân Covid-19 tại quốc gia châu Âu này đã không qua khỏi, nâng tổng số ca tử vong trên toàn quốc lên 25.531 người.

Pháp hiện vẫn là một "điểm nóng" về dịch trên thế giới với 170.551 người dương tính với virus corona chủng mới tính đến sáng sớm ngày 6/5. Trước diễn biến dịch phức tạp, Thượng viện nước này đã bác bỏ kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa của chính phủ.

Các nghị sĩ Pháp cũng đề nghị chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron tái cân nhắc một số biện pháp đang gây tranh cãi trong dư luận, bao gồm cả việc đảm bảo an toàn khi mở cửa lại các trường học từ ngày 11/5.

Các tin đáng chú ý khác về dịch Covid-19:

- Thủ đô New Delhi của Ấn Độ hôm 5/5 bắt đầu áp mức thuế đặc biệt 70% đối với các sản phẩm rượu cồn, nhằm đối phó với tình trạng tập trung đông người mua tại các cửa hàng bán đồ uống sau nới lỏng phong tỏa bất chấp các quy định giãn cách xã hội nhằm phòng chống dịch Covid-19. Động thái diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ ghi nhận kỷ lục về số ca nhiễm mới Covid-19 trong ngày là 3.900 người. Tính đến sáng sớm 6/5, 1.693 trường hợp đã tử vong trong tổng số 49.400 ca dương tính với virus corona chủng mới tại quốc gia Nam Á này.

- Trong 24 giờ qua, Thái Lan chỉ ghi nhận thêm một ca nhiễm mới Covid-19, mức tăng thấp nhất một ngày trong gần 2 tháng qua, và không có thêm trường hợp nào tử vong vì dịch ngày thứ 5 liên tiếp. Tính đến hết ngày 5/5, 2.747 bệnh nhân trong tổng số 2.988 người mắc Covid-19 tại Thái Lan đã hồi phục và 54 trường hợp trong số đó đã thiệt mạng. Trước tín hiệu tích cực từ cuộc chiến chống Covid-19, Hội đồng Du lịch Thái Lan đang chuẩn bị khởi động chiến dịch có tên gọi “Chúng tôi yêu Thái Lan” nhằm kích cầu du lịch nội địa khi công tác dập dịch thành công.

- Bộ Y tế Singapore thông báo có thêm 632 ca nhiễm mới Covid-19 trong ngày 5/5, mức tăng cao nhất trong ngày ở khu vực ASEAN, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 19.410 người. Dù là vùng dịch lớn nhất khu vực nhưng tổng số ca tử vong vì virus corona chủng mới ở đảo quốc sư tử hiện dừng lại ở con số 18 người. Chính phủ Singapore tuyên bố sẽ cho phép các doanh nghiệp từng bước khôi phục hoạt động kể từ ngày 12/5, trong khi vẫn duy trì lệnh phong tỏa một phần cho tới ngày 1/6 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

- Hải quan Thổ Nhĩ Kỳ vừa thu giữ 87.500 khẩu trang y tế được giấu kín trong lô hàng vỏ gối đang chuẩn bị được xuất khỏi nhà kho ở sân bay Istanbul. Do sự bùng phát của dịch Covid-19, nước này đã áp lệnh hạn chế xuất khẩu đối với các sản phẩm bảo hộ y tế cá nhân và đòi hỏi hoạt động này phải có sự phê chuẩn của Bộ Y tế. Thổ Nhĩ Kỳ hiện có gần 130.000 nhiễm Covid-19 với 3.520 trường hợp đã tử vong.

- Lebanon quyết định kéo dài các biện pháp hạn chế đi lại nhằm dập dịch Covid-19 thêm 2 tuần, tới ngày 24/5. Theo kế hoạch tái mở cửa đất nước dần dần qua 5 giai đoạn, Lebanon đã bắt đầu dỡ bở một số biện pháp giới hạn triển khai từ ngày 15/3, cho phép các nhà hàng mở cửa trở lại với 30% công suất phục vụ.

- Theo Bộ Y tế Bồ Đào Nha, dịch Covid-19 bùng phát mạnh đã khiến số trường hợp trẻ được tiêm vắc-xin ở nước này trong tháng 4 năm nay giảm tới 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Báo cáo thống kê được công bố khi Bồ Đào Nha hiện là một trong số những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì Covid-19 ở châu Âu với 1.074 trường hợp tử vong trong tổng số 25.702 ca nhiễm mầm bệnh nguy hiểm tính đến thời điểm hiện tại.

- Giáo sư Neil Ferguson thuộc Đại học Hoàng gia London vừa lên tiếng xin lỗi và xin rút khỏi vai trò cố vấn cho chính phủ Anh sau khi ông có hành động vi phạm các quy định giãn cách xã hội nhằm phòng chống dịch Covid-19. Ông Ferguson là một trong các chuyên gia đã thuyết phục chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson ban hành lệnh phong tỏa nhằm dập dịch hồi tháng trước.

Tuấn Anh