10h30 sáng ngày 6/8, Nguyễn Thị Thu Hà (26 tuổi) đón vị khách đầu tiên của mình tới khu nghỉ dưỡng. Vị khách đăng ký thực hiện therapy (vật lý trị liệu).
Sau thời gian làm cho các spa nhỏ, Hà quyết định thay đổi môi trường làm việc. Cô về đầu quân cho Ixora Ho Tram by Fusion, khi khu nghỉ dưỡng này bắt đầu mở cửa đón khách. Sinh ra và lớn lên tại Hồ Tràm (huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa–Vũng Tàu), Hà thấy rõ sự đổi thay của quê hương.
15 năm trước, nơi đây là vùng đất hoang. Còn ngày nay, đi dọc tuyến đường ven biển Vũng Tàu-Bình Châu, nhiều khu nghỉ dưỡng lớn đã xuất hiện như Holiday Inn, Carmelina, Melia Ho Tram Beach Resort, Angsana Ho Tram… Hồ Tràm giờ đây là một quần thể du lịch nổi tiếng đến nỗi người ta không còn nghĩ đó chỉ là tên địa danh của một ấp nhỏ ven biển.
Thống kê từ Ban quản lý Các khu du lịch huyện Xuyên Mộc, trên tuyến đường du lịch ven biển hiện có 32 cơ sở lưu trú. Trong đó, 8/32 cơ sở được xếp hạng sao (6 cơ sở 4 và 5 sao), với 3.149 phòng. 6 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách du lịch tới địa phương là khoảng 1,33 triệu lượt (trong đó, khách quốc tế khoảng 44.400 lượt và khách nội địa ước hơn 1,29 triệu lượt) tăng 117,16% so với cùng kỳ năm 2022; doanh thu du lịch ước đạt 1.656 tỷ đồng, tăng 6,73%.
Ngoài tăng thu cho ngân sách, các resort cũng tạo sinh kế cho nhiều cư dân địa phương như Thu Hà. Người làm buồng phòng, người ở bộ phận bếp, nhân viên an ninh hay trở thành caddie (nhân viên phục vụ người chơi golf)…
“Với công việc đặc thù, tôi học ít nhất 2 tháng mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Sau đó, tôi phải trải qua bài kiểm tra tiếng Anh đầu vào để giao tiếp với khách quốc tế tới nghỉ dưỡng. Trong thời gian làm, tôi được học thêm ngoại ngữ”, Hà nói trước khi thực hiện therapy cho vị khách.
Theo đại diện của khu nghỉ dưỡng nơi Hà đầu quân, việc khuyến khích nhân viên phát triển bản thân thông qua thăng cấp nội bộ và đào tạo đóng vai trò quan trọng. Bởi, chính những nhân viên này sẽ đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp tới khách du lịch. Họ góp phần cho sự thành công của các khu nghỉ dưỡng.
Kênh truyền hình CNNGo của Mỹ từng bình chọn, Hồ Tràm là một trong những bãi biển đẹp và hoang sơ nhất thế giới. Tuy nhiên, ngoài yếu tố được thiên nhiên ưu đãi, Hồ Tràm còn đang cung cấp trải nghiệm du lịch bắt kịp xu thế. Du lịch golf.
Walt Power, CEO của The Grand Ho Tram Strip kể lại câu chuyện khá thú vị. Ông từng gặp một vị khách quốc tế trong thang máy, vị khách không biết Walt là quản lý tại đó. Walt Power hỏi vị khách du lịch: Tại sao ông đến Hồ Tràm, Việt Nam ?
Vị khách đưa cho Walt Power xem tờ giấy ghi danh sách 100 sân golf nổi tiếng trên thế giới cần phải đi, trong đó, có sân golf The Bluffs do tay golf huyền thoại Greg Norman thiết kế tại Hồ Tràm. Vị khách hạnh phúc với những trải nghiệm du lịch khác biệt kiểu vậy.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Trịnh Hàng, cũng khẳng định, khu vực Hồ Tràm với nhiều khu nghỉ dưỡng phát triển, đang cung cấp đa trải nghiệm du lịch ở đẳng cấp cao, từ đó, nâng tầm "ngành công nghiệp không khói" của tỉnh. Đây là yếu tố giúp nhà chức trách có sản phẩm cụ thể khi đi giới thiệu, xúc tiến du lịch địa phương ra bên ngoài.
“Hồ Tràm đang là thủ phủ du lịch mới, không chỉ tại Bà Rịa-Vũng Tàu mà toàn vùng. Có khả năng lớn, địa danh này sớm trở thành khu du lịch đẳng cấp quốc gia”, ông Hàng nói với VietNamNet.
Dẫu vậy, một trong những nhược điểm mà người đứng đầu ngành du lịch của tỉnh thừa nhận, đó là hạ tầng giao thông kết nối. Quãng đường từ sân bay Tân Sơn Nhất tới Hồ Tràm mất khoảng 2,5 tiếng di chuyển. Điều này sẽ ảnh hưởng tới thu hút đầu tư vào du lịch và yếu tố hấp dẫn du khách.
Đồng quan điểm, ông Walt Power cho rằng, hạ tầng giao thông kết nối là yếu tố rất quan trọng khi muốn phát triển du lịch. Sự thành công của khu nghỉ dưỡng hay một quần thể du lịch phụ thuộc vào mối liên hệ, phối hợp giữa khu vực công và khu vực tư. Ở đây, khối doanh nghiệp đã xây dựng lên các công trình nghỉ dưỡng. Du khách trong nước, quốc tế có thể đều muốn đến trải nghiệm dịch vụ, nhưng họ sẽ cân nhắc nếu đường sá giao thông bị hạn chế.
Trước vấn đề này, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho hay, thời gian qua, địa phương có nhiều nỗ lực và đã khởi công 3 dự án trọng điểm.
Thứ nhất, đường cao tốc nối Biên Hoà-Vũng Tàu, dự án cũng sẽ kết nối với cả Cảng Hàng không quốc tế Long Thành khi đưa vào hoạt động; đồng thời, kết nối với cao tốc Long Thành-Dầu Giây hay đường vành đai 3, vành đai 4.
Thứ hai, dự án Cầu Phước An kết nối thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu) với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), sau khi hoàn thành, cầu sẽ giảm tải lớn cho quốc lộ 51 đi Vũng Tàu đang quá tải.
Thứ ba, Bà Rịa-Vũng Tàu đã khởi công dự án tuyến đường ven biển ĐT 994 (dài 77 km), mở rộng toàn diện đường ven biển, kéo dài từ thị xã Phú Mỹ, qua TP.Vũng Tàu, huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, chạy tới giáp Bình Thuận. Đường ven biển này sẽ hình thành trục động lực phát triển mạnh du lịch tại đây.
Ở góc nhìn tích cực, một đại điện của khu nghỉ dưỡng ở Hồ Tràm cho rằng, dù quãng đường đi từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Hồ Tràm cần 2,5 tiếng nhưng du lịch là trải nghiệm trong toàn bộ hành trình. Hồ Tràm không phải là một điểm đến quá xa mà chỉ vừa đủ xa để du khách nâng cấp trải nghiệm du lịch.
"Chính tôi cũng sống và làm việc toàn thời gian tại Hồ Tràm. Tôi coi nơi đây như là nhà. Du khách đến khu nghỉ dưỡng như họ đến ngôi nhà của tôi. Trong tương lai, hạ tầng hoàn thiện, nhiều người sẽ ghé thăm nhà tôi hơn”, vị này lạc quan khi nói tới tiềm năng du lịch bản địa.