Chiếc iPhone XS Max phiên bản 512 GB bộ nhớ trong có mức giá 44 triệu đồng tại thời điểm ra mắt ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy nửa năm, máy đã được giảm xuống còn 40 triệu đồng. Thậm chí, người dùng có thể tìm mua được sản phẩm này với mức giá rẻ hơn tại một số hệ thống có quy mô nhỏ.
Đây là điều chưa từng xảy ra trong những năm trước. Trước đây, iPhone luôn được biết đến là dòng điện thoại cao cấp có khả năng giữ giá tốt nhất. Apple cũng rất hiếm khi đưa ra các chương trình khuyến mại hoặc giảm giá.
Apple muốn tận diệt máy xách tay?
"Trước đây, Apple gần như không cho phép các đại lý tự ý giảm giá sản phẩm. Thậm chí, điều đó có thể khiến hệ thống bị hãng từ chối hợp tác. Tuy nhiên, trong 1-2 năm gần đây, Apple đã 'dễ tính' hơn hẳn. Các đại lý cũng thoải mái hơn trong việc tổ chức chương trình khuyến mại để thu hút người dùng", ông Nguyễn Huy Tân đại diện truyền thông một hệ thống bán lẻ tại Hà Nội chia sẻ.
Trong 1-2 năm gần đây, giá bán iPhone chính hãng liên tục giảm dù ra mắt không lâu. |
Ông Tân cho biết động thái này cho thấy Apple đang dần quan tâm hơn tới thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, người dùng có thể dễ dàng tiếp cận với sản phẩm chính hãng của Apple hơn thay vì tìm đến máy xách tay như trước.
"Đối với đa số người dùng phổ thông, việc chọn mua một sản phẩm chính hãng sẽ an toàn và thuận tiện hơn trong quá trình sử dụng lâu dài. Bên cạnh đó, đối với hệ thống, việc chuyển sang kinh doanh máy chính hãng cũng giúp chúng tôi chủ động hơn về nguồn cung và chất lượng sản phẩm", ông Tân nói thêm.
Gần đây, Apple tiếp tục cho thấy hãng đang muốn "giết chết" hàng xách tay tại Việt Nam. Theo đó, từ ngày 31/7, Apple yêu cầu tất cả thiết bị khi đem tới bảo hành phải xuất trình phiếu mua hàng chính hãng có xác nhận từ Apple, kể cả khi máy có Apple Care.
“Chính sách bảo hành mới của Apple không ảnh hưởng quá nhiều đến người dùng cũng như các cửa hàng bán máy xách tay. Tuy nhiên, điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của khách hàng khi mua máy. Thêm vào đó, chưa rõ Apple có những động thái nào khác mạnh tay hơn trong tương lai hay không”, ông Quang Trung, đại diện một hệ thống kinh doanh điện thoại xách tay khác tại Hà Nội nói.
Ông Trung chia sẻ thêm tình hình kinh doanh iPhone xách tay ngày càng khó khăn. Nhiều hệ thống đã phải thu hẹp hoạt động vì gặp phải sự cạnh tranh lớn từ các cửa hàng khác cũng như hàng chính hãng.
iPhone quốc tế vẫn sống, máy khóa mạng "chết" sớm
"Từ lâu, iPhone xách tay tại Việt Nam đã không được hưởng chính sách bảo hành toàn cầu từ Apple. Người dùng cũng đã dần quen và chấp nhận điều này nên chính sách mới của hãng gần như không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các cửa hàng", ông Hoàng Giang, chủ một cửa hàng bán iPhone lâu năm tại Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ.
Các cửa hàng từ lâu đã tự chịu trách nhiệm bảo hành iPhone xách tay. Ảnh: Lê Trọng. |
Ông Giang cho biết thêm tất cả cửa hàng hiện đều tự chịu trách nhiệm bảo hành, sửa chữa cho sản phẩm mà hệ thống đó bán ra. Tùy từng cửa hàng, người dùng sẽ nhận được chế độ hậu mãi cũng như chính sách bảo hành khác nhau.
Trong khi đó, Apple lại cho thấy hãng đang quyết tâm làm "bay màu" toàn bộ iPhone khóa mạng (iPhone lock) tại Việt Nam. Hơn một tuần qua, nhiều người dùng trên cộng đồng sử dụng iPhone lock cho biết thiết bị của họ thường xuyên gặp phải vấn đề kết nối và không thể sử dụng được SIM ghép.
"Chiếc iPhone 7 Plus lock của tôi thường xuyên rơi vào tình trạng không thể liên lạc được dù máy vẫn hiển thị đầy đủ vạch sóng", tài khoản Tuấn Mạnh bình luận trên một bài đăng trong nhóm chia sẻ kinh nghiệm dùng iPhone lock.
Anh Vũ Phương, quản trị viên của cộng đồng người dùng iPhone lock cho biết không chỉ chặn tất cả mã ICCID như trước, Apple đã tìm ra cách vô hiệu hóa loại SIM ghép tự động sửa lỗi.
Loại SIM này được biết đến với cái tên White-SIM. Nó xuất hiện tại thị trường Việt Nam vào tháng 7/2018 và từng tạo nên cơn sốt trong cộng đồng người dùng iPhone lock.
Nhiều người dùng bán tháo iPhone lock trên các diễn đàn. |
White-SIM cho phép người dùng chỉ cần kích hoạt máy một lần duy nhất bằng mã ICCID, sau đó có thể không cần lắp kèm SIM ghép. Đồng thời, nó cũng hỗ trợ thay đổi nhiều loại SIM khác nhau mà không cần kích hoạt lại.
Tuy nhiên, người dùng iPhone khóa mạng không còn có thể kích hoạt được máy bằng loại SIM này. Hiện tại, một loại SIM ghép mới vừa xuất hiện đã khắc phục được lỗi mạng trên iPhone lock. Tuy nhiên, với phương pháp này, chiếc iPhone lock chỉ có thể hoạt động ở mạng 2G và người dùng buộc phải kích hoạt thủ công với nhiều bước phức tạp.
Sau sự việc trên, nhiều người dùng đã bán tháo iPhone khóa mạng với giá thấp. iPhone 7 lock màu đen phiên bản bộ nhớ trong 32 GB được chào bán với giá khoảng 2,3-2,8 triệu đồng. Chiếc 7 Plus phiên bản 32 GB bộ nhớ cũng được chào bán với giá dao động khoảng 4-4,5 triệu đồng.
"Đây giống như cú 'búng tay' của Apple dành cho iPhone khóa mạng tại Việt Nam. Hồi kết của loại máy này đã đến", ông Thanh Tú, đại diện một cửa hàng chuyên bán iPhone tại Thái Hà, Hà Nội nhận định.