Australia đã bắt đầu áp dụng các thiết bị nhận diện sinh trắc học như mặt, mống mắt và dấu vân tay tại các sân bay, cho phép hành khách đi qua mà không cần phải trình hộ chiếu hoặc thậm chí trò chuyện với bất kỳ ai.
Dự án có tên Seamless Traveler nói trên nhằm tạo ra một "trải nghiệm tự hoàn thành thủ tục một cách nhanh gọn, trơn tru cho tới 90% hành khách", để các lực lượng kiểm soát biên giới có thể tập trung vào những đối tượng hành khách "có nguy cơ cao".
Tờ Sydney Morning Herald của Australia dẫn lời nhà phân tích an ninh John Coyne nhận định, kế hoạch tiện lợi nhưng có vẻ mang tính can thiệp này sẽ cho phép các du khách quốc tế "thông quan như tới một sân bay nội địa".
Seamless Traveler sẽ thay thế hệ thống quét hộ chiếu SmartGates mới được triển khai tại nước này cách đây 10 năm. Dẫu vậy, dự án áp dụng sinh trắc học như thế này của chính phủ Australia được đánh giá là khá tham vọng. Theo phát ngôn viên của Bộ Di trú và biên phòng Australia (DIBP), nhà chức trách địa phương hiện vẫn chưa có giải pháp thực tế, nên mới bắt đầu mời thầu đối với các công ty có khả năng cung cấp những giải pháp tiên tiến, cho phép các du khách đến tự hoàn thành thủ tục.
Mặc dù con số 90% hành khách sử dụng Seamless Traveler hiện nghe có vẻ xa vời, nhưng DIBP khẳng định họ đã gần đạt được tỉ lệ này với hệ thống SmartGates. Ông Coyne đề cập đến một khả năng triển khai dự án mới, trong đó các hành khách sẽ được phân luồng đi qua cửa kiểm tra các dấu hiệu sinh trắc học mà không cần phải dừng lại.
Các máy quét sinh trắc học đang được thử nghiệm ở một số sân bay Mỹ nhưng chỉ như một cách xác thực nhân dạng hộ chiếu. Có lẽ, với hệ thống Seamless Traveler, các hành khách sẽ phải chấp nhận để lực lượng an ninh sân bay ghi lại và lưu trữ những đặc điểm sinh trắc học của họ cùng với thông tin nhận dạng. Điều này thường làm dấy lên các lo ngại về sự an toàn và riêng tư.
Giống như ở những nơi khác, các tổ chức chính phủ ở Australia cũng không "miễn nhiễm" trước sự tấn công của các hacker. Các chuyên gia cảnh báo sẽ là vấn đề hóc búa nếu các bọn trộm không chỉ đánh cắp nhân dạng mà còn cả kết quả quét mống mắt và vân tay của ai đó. Việc nhận dạng qua khuôn mặt cũng gây tranh cãi và đã dẫn tới các buộc tội nhầm lẫn, hồ sơ chủng tộc sai lệch hoặc các vấn đề khác.
Tuy nhiên, ủy ban bảo vệ quyền riêng tư của công dân Australia đã thông qua ý tưởng về dự án Seamless Traveler. Năm 2015, chính phủ nước này cũng phê chuẩn một luật cho phép nhà chức trách thu thập thêm dữ liệu sinh trắc học của các công dân và người nước ngoài tại các sân bay trong nước. Những dữ liệu đó bao gồm dấu vân tay, ảnh, âm thanh, video, kết quả quét mống mắt, chiều cao và cân nặng.
Australia đã lên kế hoạch bắt đầu thử nghiệm quét sinh trắc học tại một sân bay nhỏ ở thủ đô Canberra vào tháng 7 năm nay và áp dụng công nghệ này trên mọi sân bay quốc tế của mình vào tháng 3/2019.
Tuấn Anh (Theo Engadget)