- Cứ năm sáu giờ sáng người làng Đà Sơn lại thấy bà cụ Ninh lật đật cõng rựa, mang gánh đi chặt củi.

TIN BÀI KHÁC:


“Làng Đà Sơn người sống đến tuổi đó chỉ còn hai bà thôi. Bà kia thì con cái nuôi nấng đàng hoàng, sáng tập thể dục, chiều đi tắm biển. Còn bà Mốc (bà Ninh) thì tới chừ còn phải đốn củi đi bán tự nuôi lấy mình, đời tôi chưa thấy ai khổ như bà ấy” – Ông Nguyễn Thanh Long đang nói về hoàn cảnh cụ Nguyễn Thị Ninh, tổ 155 thôn Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, T.p Đà Nẵng.

Một đời bĩ cực

Cha mẹ cụ sinh hạ được bốn người con, các anh em của cụ lần lượt chết yểu khi mới sinh được vài ba tháng, chỉ còn mỗi mình cụ. Năm 1927 cô gái Ninh ra đời thì đến năm 1947 cha chết, năm 1951 mẹ chết. Bấy giờ cô Ninh bơ vơ giữa đời, chính thức trở thành tiều phu luồn rừng hái củi nuôi thân. Tới tuổi băm cô gái Ninh cũng có được tấm chồng, sinh hạ hai con trai. Nghe làng xóm bảo vợ chồng nghèo khổ nhưng sống có tình nghĩa, thương mến lẫn nhau. Những tưởng cuộc đời cô Ninh tới đây đoạn tuyệt lận đận, ai ngờ sống với nhau chưa đầy chục năm thì chồng lâm trọng bệnh qua đời, để lại người vợ cùng hai đứa con côi.

{keywords}
Cụ Nguyễn Thị Ninh với đống củi để dành chuẩn bị bán

Gánh nặng cuộc đời trút lên đôi vai, cô Ninh hàng ngày đi chặt củi tại rừng Khánh Sơn mang về bán cho người nấu lò, làm bún trong vùng kiếm từng đồng lẻ nuôi hai đứa con dại. Ngày tháng trôi qua, hai cậu con trai lần lượt lấy vợ. Cô Ninh tin tưởng cực nhọc cuộc đời từ nay là hết, con cái lớn khôn yên bề gia thất là lúc người mẹ già được thảnh thơi vui vầy. Nghĩ vậy mà đời không phải vậy, anh con lớn cưới vợ được dăm năm thì bệnh chết, bỏ lại người vợ trẻ với hai đứa con nhỏ.

Cậu con út thần kinh bất thường, hay đánh mắng vợ lại tối ngày say khiến cô vợ trẻ sống chung không nổi phải bế đứa con trai về ở quê ngoại từ mười năm nay. Thế là đến lúc sắp bước qua tuổi chín mươi bà cụ Ninh vẫn đều đặn cầm dao chặt củi đi bán mỗi ngày để tự nuôi lấy thân. Bó củi ngày một nhẹ đi trong khi tấm lưng gầy ngày thêm còng xuống.

Bao giờ thái lai?

Người đời bảo rằng người sống thọ là điều hạnh phúc, nhưng cái tuổi thượng thọ của cụ hình như chỉ kéo dài thêm nỗi đau của cuộc đời. Cứ năm sáu giờ sáng người làng Đà Sơn lại thấy bà cụ Ninh lật đật cõng rựa, mang gánh đi chặt củi. Ngày còn mạnh khỏe cụ đi tới núi rừng Khánh Sơn cách làng gần chục cây số, nay tuổi già sức yếu cụ chỉ còn đủ sức đi loanh quanh bờ rào bờ ruộng các nhà trong xóm. Bởi không đi được xa nên số củi kiếm được ngày một ít dần, cứ mỗi ba ngày cụ dồn số củi khô hái được cõng ra đường lớn cách nhà ba cây số bán một lần. Người trong làng thấy cụ đáng thương mua cho cụ bó củi ba bốn chục ngàn, nhiều người cho thêm con cá bó rau để cụ về nấu ăn qua bữa.

Miệng nhai trầu bỏm bẻm trong khi không còn một chiếc răng, cụ cười ha hả mà kể cái bĩ cực đời mình. Cụ cho biết từ lúc biết mần ăn (năm 14 tuổi) đã theo cha mẹ lên rừng đốn củi bán đổi gạo. Cho tới lúc cha mẹ qua đời, đến khi lấy chồng rồi sau khi chồng chết và mãi đến hôm nay cái nghề này đã nuôi sống cụ. Cụ chia sẻ về công việc của mình như sau: “Chừng bốn năm giờ sáng là tôi dậy cắp rựa đi rồi, hồi xưa còn đi xa chứ giờ chỉ đi gần gần chỗ lò gạch ông Đáng. Tôi đốn tới khoảng mười giờ là cột được hai bó, lồng cây vô rồi gánh về”. Thấy cụ tuổi già mà lao động vất vả bà con trong làng xót xa, cụ nói: “tôi đi lên người ta quở, đi xuống cũng quở, họ nói với tôi là bà già quá rồi, tuổi này thì còn đi đâu nữa. Tôi kệ chú ơi, tay làm hàm nhai, tôi không làm thì lấy chi nhai nữa?”. “Chú có thấy ai như tôi, thiếu mấy ngày nữa là đã chín mươi tuổi rồi…” nói đến đây cụ nghẹn lại, đôi mắt mờ đục cuối xuống rưng rưng.

Ông Nguyễn Đình Trữ, trú tổ 155 thôn Khánh Sơn, cho biết cuối tháng 11/2013 cụ gánh củi đi bán tại chợ Hòa Khánh thì bỗng nhiên mất trí nhớ rồi đi lạc hai ngày. May sao đến cuối ngày thứ hai thì có người làng nhận ra cụ rồi dắt về nhà. Sau lần đó cụ phát bệnh, đi viện khám thì bác sĩ chẩn đoán là mất trí nhớ, phải uống hết ba triệu tiền thuốc mới thấy đỡ bệnh.

Theo ông Nguyễn Xí, tổ trưởng tổ 4 cũ giai đoạn 2003-2012 (nay là các tổ 155-159), thì hộ bà Nguyễn Thị Ninh thuộc diện đặc biệt khó khăn tại địa phương. Dù đã được cấp sổ trợ cấp xã hội mỗi tháng trị giá 210 ngàn đồng và mỗi dịp lễ tết các ban ngành của phường cũng thường xuyên thăm hỏi tặng quà động viên. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Xí, đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài cụ Ninh cần được hỗ trợ dài hơi hơn.

Sơn Đoàn – Tấn Lực

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

1. Gửi trực tiếp: Cụ Nguyễn Thị Ninh, tổ 155 thôn Khánh Sơn phường Hòa Khánh Nam quận Liên Chiểu, T.p Đà Nẵng.

2. Qua Báo VietNamNet: Ghi rõ ủng hộ cụ Nguyễn Thị Ninh ở Đà Nẵng

- Qua TK ngân hàng Vietcombank:

Chuyển khoản: Báo VIETNAMNET

Số tài khoản: 0011002643148. Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam - 198 Trần Quang Khải, Hà Nội

- Chuyển khoản từ nước ngoài:

- Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER

- The currency of bank account: 0011002643148

-Bank:- BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM

-Address: 198 Tran Quang Khai, Han//oi, Vietnam

-SWIFT code: BFTVVNVX

- Qua TK ngân hàng Viettinbank:

Chuyển khoản: Báo VietNamnet

Số tài khoản: 1020.1000.158.2330

Ngân hàng Vietinbank Hoàn Kiếm, Hà Nội

- Chuyển tiền từ nước ngoài:

Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade, Hoan Kiem Brand

- Address:37 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội

- Swift code:ICBVVNVX122

3.Hoặc trực tiếp báo VietNamNet:

- Phía Bắc địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C’Land, 156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội

- Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 51 Trương Định, P6, quận 3,TP.HCM. Điện thoại: 08.39309882 - Fax: 08.39309881

Email: banbandoc@vietnamnet.vn