Vải thiều trúng mùa trúng giá

Không còn cảnh được mùa rớt giá, những ngày này, ở thủ phủ vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), loại trái cây đặc sản này được thu mua với giá khá cao.

Tại các điểm cân đầu mối dọc tuyến đường tỉnh lộ 390 mua bán diễn ra nhộn nhịp. Tại các vườn vải đang độ chín rộ, nông dân tất bật thu hái những chùm vải chín đỏ au để kịp bán cho các đầu mối, đưa đi tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu.

Trò chuyện với PV.VietNamNet, bà Đoàn Thị Thuý ở xã Thanh Quang (Thanh Hà), khoe: “Năm nay vải thiều chín sớm trúng mùa trúng cả giá. Nhà tôi đa phần đều xuất bán với giá 60.000 đồng/kg, có thời điểm giá còn cao hơn”.

{keywords}
Vùng vải thiều Thanh Hà hiện đều áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...
{keywords}
Vải thiều Thanh Hà đang bước vào mùa thu hoạch rộ

Gia đình bà Thuý có hơn 200 gốc vải thiều trên 10 năm tuổi. Tất cả đều là giống vải thiều chín sớm. Dù chăm sóc vất vả hơn vải thiều chính vụ, song đổi lại, mùa thu hoạch này gia đình bà trúng đậm vì vải được mùa, năng suất đạt tới 6 tấn, tăng gần 2 tấn so với năm ngoái; giá cũng cao hơn.

““Năm nay vải được giá, cũng dễ bán hơn năm trước rất nhiều. Toàn bộ số vải gia đình tôi thu hoạch được đều được xuất bán đi Hà Nội. Tính ra, thu hoạch xong vụ vải thiều chín sớm, gia đình tôi đút túi hơn 300 triệu đồng”, bà Thuý tiết lộ.

Gần một tháng qua, ngày nào gia đình bà cũng dậy rất sớm ra vườn thu hái vải. Bởi, vải thiều muốn đẹp phải thu hái khi chưa có ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào, nếu thu hái muộn chất lượng vỏ bị ảnh hưởng, lúc đó bán sẽ mất giá.

Tương tự, anh Hoàng Văn Dũng - một hộ trồng vải quy mô lớn nhẩm tính, sản lượng vải thiều chín sớm của gia đình anh năm nay đạt khoảng trên 10 tấn.

Anh tâm sự, thời điểm tháng 3-4 năm nay, khi vải bắt đầu ra quả, anh khá lo lắng vì dịch Covid-19 sẽ khiến quả vải khó tiêu thụ, giá có thể giảm mạnh. Thế nhưng, vào đầu tháng 5, khi vải thiều chín sớm bắt đầu cho thu hoạch, hoạt động mua bán lại rất nhộn nhịp. Thương lái từ khắp các nơi đổ về. Do đó, vải thiều nơi đây ngoài tiêu thụ ở các tỉnh thành trong nước còn xuất khẩu.

{keywords}
Năm nay vải thiều Thanh Hà được mùa, trúng giá

“Giá vải thiều vụ này còn rất cao. Tôi xuất bán đầu vụ được 60.000-70.000 đồng/kg, giờ cuối vụ vải chín sớm giá cũng 35.000-40.000 đồng/kg. Thành ra, lãi cũng được vài trăm triệu chứ không ít”, anh Dũng chia sẻ.

Trao đổi với PV.VietNamNet, bà Hoàng Thị Thuý Hà - Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết, diện diện tích vải thiều chín sớm của huyện có khoảng 3.800ha, trong đó 200ha đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Vải thiều chín sớm thường cho thu hoạch từ tháng 5 đến hết tháng, thu hoạch rộ trong vòng 20 ngày. Còn vải thiều chính vụ cho thu hoạch từ đầu tháng 6 đến giữa tháng 7 thì kết thúc.

“Năm 2019, doanh thu từ vải sớm toàn huyện đạt hơn 700 tỷ đồng. Năm nay vải sớm được mùa, sản lượng ước khoảng 20.000 tấn. Với giá bán như hiện tại, người nông dân thu khoảng 900 tỷ”, bà Hà cho hay.

Vải thiều lên đường sang Singapore, đi Nhật

Về việc xuất khẩu vải thiều Thanh Hà, bà Hoàng Thị Thuý Hà chia sẻ, trước kia phần lớn người dân Thanh Hà canh tác vải thiều theo kinh nghiệm, nhưng giờ vải đều được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP theo tiêu chuẩn để xuất khẩu đi Mỹ, EU, Singapore, Nhật Bản,...

Từ khâu ra hoa, kết trái cho đến lúc thu hoạch vải thiều đều có sự giám sát chặt chẽ của cán bộ kỹ thuật Chi cục BVTV. Quy trình chăm sóc, dùng phân bón loại nào, thuốc BVTV rao sao đều được kiểm duyệt nghiêm ngặt.

{keywords}
Ngoài xuất sang Trung Quốc, Mỹ, EU, năm nay vải thiều Thanh Hà còn có mặt tại Singapore và Nhật Bản

Bà Hà cho hay, năm 2015, huyện Thanh Hà đã cấp mã số cho 9 vùng trồng vải xuất khẩu đi Mỹ, Úc, EU. Năm 2020, huyện tiếp tục cấp mới 8 mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Đến nay, Thanh Hà đã có 17 vùng trồng vải đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó, với mong muốn đưa sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, từ năm 2018, huyện Thanh Hà đã tổ chức dán tem truy xuất nguồn gốc cho quả vải, đảm bảo yêu cầu xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, đồng thời bảo vệ thương hiệu trái cây đặc sản của huyện.

“Hiện các doanh nghiệp đang tích cực thu mua vải thiều xuất khẩu sang Singapore, vài ngày tới những container vải đầu tiên sẽ được xuất đi Nhật Bản”, bà nói.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, quản lý một nhà máy sơ chế để xuất khẩu vải thiều ở Thanh Hà, cũng cho biết, đơn vị của ông đã xuất được container vải đầu tiên sang đi Singapore.

{keywords}
Vải thiều xuất khẩu được tuyển chọn kỹ rồi đưa vào dây chuyền sơ chế
{keywords}
Sau đó mới đóng hộp thành phẩm xuất khẩu
{keywords}
Vài ngày tới, loại trái cây đặc sản của Thanh Hà sẽ được xuất khẩu sang Nhật

Vải thiều được thu mua từ các nhà vườn sau đó đưa về nhà máy sơ chế, chọn lọc, loại bỏ những quả nhỏ, quả xấu. Qua hàng chục khâu sơ chế, vải thiều sẽ đóng đóng hộp rồi đưa vào kho lạnh bảo quản trước khi đóng container xuất khẩu, ông tiết lộ.

Trước đó, đối tác bên Singapore đã cho người sang khảo sát vùng trồng, kiểm tra chất lượng vỉa thiều. Họ khá hài lòng với chất lượng quả vải của Thanh Hà. Các loại vải thiều họ chọn cũng phong phú để đáp ứng nhu cầu nhiều thị trường khác nhau.

Ông Sơn dự kiến, vụ vải thiều năm nay, đơn vị của ông sẽ xuất khẩu khoảng 40 tấn vải thiều các loại sang Singapore.

Châu Giang - Anh Đức