Bà Rịa -Vũng Tàu là tỉnh nằm ở vùng Đông Nam Bộ, có điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đề án 04-ĐA/TU của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2020-2025, sau hơn 5 năm triển khai, bước đầu đã thúc đẩy phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tỷ trọng giá trị sản phẩm trồng trọt ứng dụng công nghệ cao trên tổng giá trị sản phẩm trồng trọt có xu hướng tăng qua các năm.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, Đề án 04-ĐA/TU của tỉnh sau 5 năm triển khai, bước đầu đã thúc đẩy phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Hiện nay, tỷ trọng giá trị sản phẩm trồng trọt ứng dụng công nghệ cao trên tổng giá trị sản phẩm trồng trọt có xu hướng tăng qua các năm. Quy mô đàn vật nuôi ứng dụng công nghệ cao so với tổng đàn vật nuôi toàn tỉnh đạt tỷ lệ 70,27%. Diện tích nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao chiếm 36,98% trên tổng quy mô nuôi thủy sản toàn tỉnh. Giá trị sản xuất đạt 4.897 tỷ đồng/năm, chiếm 32,8% tổng giá trị sản xuất lĩnh vực nông nghiệp. Giá trị sản phẩm bình quân đạt trên 109,94 triệu đồng/ha, tăng 13,86 triệu đồng so năm 2015.

nongnghiep.png

Từ những thành công thu được, ngày 21/3/2023 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 600/QĐ-UBND ngày do UBND tỉnh ban hành về kế hoạch tiếp tục thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU ngày 28/7/2017 phát triển nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2025.

Theo đó, tỉnh tiếp tục xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh theo chuỗi giá trị, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; thu hút DN đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đồng thời, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống vật chất, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Trong quyết định này, tỉnh đặt mục tiêu phấn đầu hình thành Trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và năm 2025; tăng giá trị sản xuất và thu nhập trên đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp gấp 1,5 lần so với năm 2021, đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chiếm trên 50% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; các diện tích đất quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao được thu hồi để triển khai thực hiện các dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao;

Quyết định cũng đề cập tới việc quy hoạch và xây dựng 5 vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản: vùng sản xuất hồ tiêu, vùng chăn nuôi, vùng cây ăn quả và vùng thủy sản gắn với liên kết sản xuất nâng cao chuỗi giá trị, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thực phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, khuyến khích đầu tư đối với các sản phẩm chủ lực.

Ngoài ra, để đẩy mạnh thu hút đầu tư, tỉnh khuyến khích, chuyển đổi đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất để thực hiện các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Đề án 04/ĐA-TU giai đoạn 2021-2025. Đồng thời tiếp tục mời gọi doanh nghiệp đầu tư mở rộng các mô hình thí điểm đã được đề xuất bằng nguồn kinh phí xã hội hóa; thực hiện hợp tác công - tư trong phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Tỉnh cũng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua các hội chợ, triển lãm, hội nghị,... Hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu và xây dựng trang thông tin điện tử quảng bá các sản phẩm nông sản ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh đã đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, thủy lợi, đê, kè..., tạo thuận lợi trong công tác tưới tiêu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Cùng với đó, các tiến bộ khoa học, nhất là công nghệ cao được chuyển giao và ứng dụng vào sản xuất ngày càng phổ biến.

Nhờ có những chủ trương tốt, cùng với việc tuyên truyền thường xuyên, các danh nghiệp đã thay đổi nhận thức, thấy được yêu cầu thực tế phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là điều kiện tiên quyết, tạo đột phá giúp nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản nên một số hợp tác xã, doanh nghiệp và hộ dân đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Tính đến cuối năm ngoái, đã có 484 doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Các vùng được UBND tỉnh công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bao gồm: Vùng sản xuất hồ tiêu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 500 ha tại xã Hòa Hội, Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc) và vùng nuôi nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 300 ha tại xã Lộc An (huyện Đất Đỏ)....

Nhờ có chiến lược bài bản, thời gian qua, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong tỉnh tiếp tục phát triển, cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng tích cực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Thanh Hà và nhóm PV, BTV