Sau 6 năm nỗ lực, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đến nay công tác phòng chống IUU của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đạt được những kết quả tích cực theo các khuyến nghị của EC.

Dự kiến, đầu tháng 10 tới đây, Đoàn kiểm tra Ủy ban châu Âu (EC) sẽ kiểm tra về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tại một số địa phương, trong đó có tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Đây là lần kiểm tra thứ 4 của EC kể từ khi ngành thủy sản Việt Nam bị EC rút “thẻ vàng” cảnh cáo vào năm 2017. Nếu không gỡ được “thẻ vàng” mà bị rút “thẻ đỏ” đồng nghĩa với mặt hàng thủy sản Việt Nam cấm xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu.

Nhận thức đây là vấn đề sống còn đối với ngành thuỷ sản của tỉnh nói riêng và của nước nhà nói chung, với sự chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nghiêm của các cấp lãnh đạo và sự đồng lòng của ngư dân, công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những cải thiện đáng kể.

xalocan.jpg
Khu vực neo đậu xã Lộc An

Tình hình tàu cá và ngư dân của tỉnh vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài giảm đáng kể.

Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những tỉnh có số lượng tàu cá lớn của cả nước với 5.399 chiếc được cấp phép, trong đó  có 2.808 tàu cá khai thác vùng khơi.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, đồng thời triển hai việc giám sát công tác thực hiện.

Tỉnh cũng đã thành lập Ban chỉ đạo về chống khai thác IUU;  ký kết Quy chế phối hợp giữa UBND tỉnh với Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, các tỉnh Kiên Giang, Bình Thuận, Ninh Thuận để phối hợp có hiệu quả trong việc quản lý hoạt động thủy sản, chống khai thác IUU.  

Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền, tập huấn về IUU tới người dân... đăng ký, đánh dấu tàu cá, cấp phép khai thác cho tàu cá; xác nhận, chứng nhận nguồn gốc hải sản cùng được ngành chức năng và địa phương triển khai mạnh mẽ.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, năm 2018 có 14 vụ/35 tàu cá/286 ngư dân; năm 2019 có 14 vụ/31 tàu cá/249 ngư dân; năm 2020 có 10 vụ/23 tàu cá/201 ngư dân; năm 2021 có 4 vụ/5 tàu cá/67 ngư dân; năm 2022 có 4 vụ/8 tàu cá/64 ngư dân; từ tháng 8/2022 đến nay, về cơ bản đã ngăn chặn được tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

Mặc dù, công tác phòng, chống IUU trên địa bàn tỉnh này vẫn còn gặp một số khó khăn trong quản lý, xác minh, điều tra, xử lý tàu cá vi phạm ở vùng biển giáp ranh, chồng lấn trên biển giữa Việt Nam và các nước trong khu vực mà chưa được phân định.

Song “chúng tôi khẳng định và cam kết mạnh mẽ trong việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo qui định, tiến tới xây dựng một nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững, hội nhập khu vực và thế giới”, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khẳng định.

Trần Văn Thường, Nguyễn Hồng Hạnh, Nguyễn Hoàng Hà