Vẫn tồn tại không ít lao động trẻ em

Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, vẫn còn tình trạng sử dụng lao động trẻ em trong doanh nghiệp chế biến hải sản và một số ngành nghề khác.

ảnh bài 6.jpg
 Tình trạng lao động trẻ em vẫn còn tồn tại trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Bình Minh

Nhiều trường hợp đi làm thêm sau giờ học để phụ giúp gia đình cải thiện cuộc sống, nhưng tiền lương được chủ doanh nghiệp trả cho các bậc phụ huynh để tránh bị mang tiếng là vi phạm sử dụng lao động trẻ em. Làm thế sẽ không bị xử phạt khi các cơ quan chức năng đi kiểm tra tình hình sử dụng lao động.

Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đều gửi văn bản thông báo tới các đơn vị có sử dụng lao động yêu cầu báo cáo tình hình sử dụng lao động, trong đó phải báo cáo cụ thể về người già, trẻ em... Thế nhưng hầu như không đơn vị nào báo cáo về việc có lao động trẻ em.

Theo Nghị định số 144/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ chăm sóc trẻ em: “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi của cha, mẹ, người giám hộ, người nuôi dưỡng trẻ em bắt trẻ em làm công việc gia đình quá sức, quá thời gian, ảnh hưởng đến việc học tập, vui chơi, giải trí, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ em; Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em bỏ học, nghỉ học...”. 

Nhiều ý kiến cho rằng các giải pháp xử phạt hành chính này chưa đủ sức răn đe.

Nhiều “điểm nóng” về lao động trẻ em vẫn tồn tại thời gian dài. Điển hình như bãi rác Tóc Tiên, không ít trẻ em nhặt rác phải sống trong môi trường ô nhiễm hàng ngày, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, sự phát triển về thể chất cũng như tinh thần.

Để rồi, hàng năm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn phải đi khắc phục hậu quả bằng cách hỗ trợ tiền tàu xe để đưa lao động trẻ em trở về với gia đình hoặc nơi cư trú; đưa các em vào nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội trong tỉnh.

Với các trường hợp đã trở về nhà nhưng do gia đình khó khăn, các em có nguy cơ bỏ học, Sở hỗ trợ cho các em tiền mua sách giáo khoa, dụng cụ học tập. Trẻ em có nhu cầu học nghề cũng được hỗ trợ kinh phí học nghề.

Phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em xuống 4,9%

Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban bành với nhiều mục tiêu cụ thể. Chẳng hạn, đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 4,9%; 100% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em và trẻ em bị mua bán vì mục đích bóc lột sức lao động khi có thông báo được hỗ trợ, can thiệp kịp thời; Trên 90% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em được tiếp cận giáo dục phổ thông và đào tạo nghề phù hợp.

Mới đây, UBND tỉnh lại tiếp tục ban hành Kế hoạch phối hợp liên ngành phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Mục đích nhằm tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp trong chỉ đạo, điều hành của các sở, ngành, đoàn thể có liên quan trong thực hiện công tác phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định pháp luật.

UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì triển khai thực hiện rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.

Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, bổ sung, lồng ghép nội dung phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trong các môn học và các hoạt động giáo dục trong nhà trường.

Các sở, ngành, đoàn thể đổi mới, đa dạng hình thức, phương pháp, chuyển đổi số công tác truyền thông; cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời chính sách, pháp luật về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. 

Tổ chức các hình thức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên môi trường mạng và tại cộng đồng, trường học. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền, phổ biến các thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiếu lao động trẻ em, dịch vụ bảo vệ trẻ em phù hợp từng nhóm đối tượng, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, đánh bắt, chế biến thủy hải sản, dịch vụ du lịch, trong các chuỗi cung ứng, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh trong khu vực hợp tác xã, các làng nghề và khu vực kinh tế phi chính thức khác. 

UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan sớm triển khai quy trình phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em gắn với hệ thống bảo vệ trẻ em tại địa phương; Triển khai các mô hình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em .

Bình Minh