Theo số liệu khảo sát của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) năm 2022, Việt Nam có 82% trẻ em 12-13 tuổi và 93% trẻ em 14-15 tuổi sử dụng internet hàng ngày.  

Theo khảo sát của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ngoài thời gian học, trẻ em Việt Nam sử dụng mạng xã hội 5-7 giờ mỗi ngày. Việc sử dụng mạng xã hội thường xuyên gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ.

W-anh dự án 3.jpg
Cha mẹ cần có cách giúp trẻ tách khỏi các thiệt bị điện tử và mạng xã hội 

TS tâm lý, giáo dục Vũ Thu Hương (Hà Nội) cho hay, từ 0 – 22 tuổi là giai đoạn não con người phát triển, hoàn thiện.

Trong quá trình này, các tác động bên ngoài có thể gây ra những phản ứng tiêu cực cho não. Sử dụng điện thoại, tivi quá nhiều có thể khiến các con bị suy giảm trí nhớ, tư duy kém nhạy bén... 

Ngoài các vấn đề sức khỏe, các vấn đề tâm lý và tính cách của trẻ khi sử dụng thiết bị điện tử, tham gia mạng xã hội cũng không hiếm gặp. 

Trẻ dễ cáu gắt, bực bội, trầm cảm khi dùng thiết bị điện tử và tham gia mạng xã hội trong thời gian dài. Rất nhiều bạn nghiện mạng xã hội đến mức mắc các vấn đề tâm lý, tâm thần như gào khóc, bứt rứt, khó chịu khi bị tách khỏi. 

Vậy nên, cha mẹ, nhà trường cần giáo dục, trang bị kỹ năng cho trẻ để trẻ tự bảo vệ bản thân khỏi những tác động tiêu cực của mạng xã hội.

Chuyên gia cho hay, những buổi thảo luận, hướng dẫn các con sử dụng mạng xã hội là luôn cần thiết. 

Trẻ cần biết các nguy cơ có thể gặp phải khi sử dụng mạng xã hội như: Nguy cơ bị người khác sử dụng hình ảnh của mình cho mục đích xấu, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, thậm chí tính mạng khi tham gia trò chơi nguy hiểm, nguy cơ bị lừa đảo trên mạng xã hội. 

Từ các kiến thức đó, cha mẹ và nhà trường hướng dẫn trẻ bỏ qua hình ảnh gây tò mò mạnh mẽ vì chúng có thể là cái bẫy nguy hiểm với trẻ. 

Trẻ cũng cần hình thành thói quen bỏ qua tất cả các đường dẫn được gửi đến hoặc hiện lên trong các trang mà các con đang xem. Thói quen loại bỏ những đường dẫn này sẽ giúp các con loại trừ được rất nhiều nguy cơ.

Các con cũng cần tạo thói quen không trả lời tin nhắn kết bạn trên các trang mạng xã hội, trừ người thân hay bạn bè của con ở ngoài đời. “Thực và ảo” được gắn lại làm một sẽ dễ dàng kiểm soát tình hình hơn là các nhân vật ảo mà chúng ta không biết là ai.

Các con cũng cần biết từ chối các lời mời hẹn gặp khi chưa xác minh được thông tin về đối phương. Khi có các buổi tụ họp đã được xác minh cẩn thận, các con cũng nên rủ bố mẹ đi cùng để đảm bảo an toàn.

Với các cơ quan chức năng, việc hạn chế thời gian, hạn chế các trang mạng xã hội có nội dung độc hại cho những ‘người dùng nhí’ là cần thiết. 

Đã có nhiều nhà mạng cung cấp các biện pháp hạn chế nội dung cho trẻ em. Tuy nhiên, với bản tính tò mò, nhiều bạn trẻ vẫn tìm cách “bẻ khóa” đó để xem các nội dung bị cấm.

Các cơ quan chức năng nên tổ chức những buổi gặp gỡ, hướng dẫn cha mẹ cách quản lý thời gian và nội dung sử dụng mạng xã hội của trẻ.

Với sự hướng dẫn kĩ thuật từ các chuyên gia, cha mẹ sẽ có cách thức quản lý thời gian và nội dung mạng mà con tham khảo cũng như các trang mạng mà con tham gia hoạt động.

Quan trọng hơn cả, cha mẹ, nhà trường nên có phương án giúp trẻ tách rời thiết bị điện tử và mạng xã hội.

“Cha mẹ, hướng dẫn và tạo điều kiện cho các con được làm việc nhà, được vui chơi tập thể cùng bố mẹ, anh chị em, bố trí thời gian sinh hoạt, học tập và vui chơi của các con cho hợp lý. 

Các thầy cô giáo không giao bài tập, tổ chức nhóm học tập trên các phương tiện ảo. Xây dựng các nhóm học sinh tại trường để thảo luận, trao đổi trực tiếp thay vì trực tuyến.

Nhà trường, cần thiết tổ chức các buổi trao đổi, thảo luận với học sinh về các vấn đề các con hay gặp phải trong cuộc sống, trong học tập, trong các mối quan hệ bạn bè”, chuyên gia nói thêm.