Chiều 27/8, tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức, ông Đỗ Mạnh Hưng–Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì thông tin về việc thực hiện kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng như phương án xử lý các biệt thự “khủng”.

Theo báo cáo của UBND huyện Ba Vì, công tác quản lý đất đai, tính đến hết tháng 7/2019, UBND huyện đã trả 6.459 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các xã, thị trấn. Bên cạnh đó, huyện phát hiện 47 trường hợp vi phạm đất nông nghiệp giao theo Nghị định 64, đất nông nghiệp công ích, đất công, đất nông nghiệp khai hoang. Trong đó, đã xử lý xong 23 trường hợp, đang xử lý các trường hợp còn lại. 

Đối với công tác quản lý trật tự xây dựng, ông Đỗ Mạnh Hưng cho biết, năm 2019 huyện tăng cường kiểm tra, giao phòng quản lý đô thị huyện phối hợp với các xã tăng cường xử lý vi phạm, với phương chậm xử lý ngay không để vi phạm kéo dài. Trong 7 tháng đầu năm, huyện đã kiểm tra 227 công trình xây dựng, trong đó số công trình vi phạm lập hồ sơ xử lý, chuyển hồ sơ đến UBND xã đề xuất xử lý là 2 công trình.

Trả lời câu hỏi lý do huyện Ba Vì đề nghị cho cụm hơn 50 biệt thự ở Điền Viên Thôn và nhiều biệt thự khác tồn tại, lãnh đạo huyện Ba Vì cho biết, đối với 57 biệt thự rừng Mu, khu vực Yên Bài, Vân Hòa… Ban cán sự Đảng Thành phố đã trực tiếp giao các ngành hướng dẫn huyện xử lý trước, báo cáo trước ngày 31/8.

Để xử lý với những biệt thự, công trình vi phạm như trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, huyện căn cứ Quy hoạch chung đã được phê duyệt. Đối với những công trình xây dựng trên, nếu tính đến thời điểm hiện tại, có thể vận dụng được quy định của pháp luật, tiếp tục cho khắc phục (có thu tiền sử dụng đất), huyện đã báo cáo để thành phố xem xét.

Còn đối với những dự án, công trình xây dựng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp không phù hợp với quy hoạch, huyện kiên quyết tháo dỡ, trả lại mặt bằng.

Hiện nay, huyện Ba Vì đã tập hợp những công trình, dự án, nhà ở có vi phạm tại rừng Mu, đồi đá Bạc, đập Đống để đề xuất với Sở TN&MT, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc để các đơn vị này tham mưu cho UBND TP xem xét có thể hợp lý hóa hay phải phá dỡ.

Lãnh đạo huyện cho biết thêm, sáng 27/8, huyện đã họp với các Sở liên quan để đánh giá từng trường hợp và Sở TN&MT, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc cũng yêu cầu huyện tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ để xem xét xem công trình nào có thể cho phép hợp lý hóa thu tiền sử dụng đất, công trình nào phải phá dỡ. Dù vậy, quan điểm của thành phố trong việc xử lý các vi phạm là kiên quyết xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Về việc thực hiện kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về những vi phạm liên quan đến đất đai trên địa bàn, ông  Đỗ Mạnh Hưng cho hay, huyện này đã tổ chức xử lý và khắc phục các tồn tại một cách nghiêm túc, khách quan, công tâm. Đến thời điểm này, căn cứ vào Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, huyện đã xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, khiển trách 28 cán bộ; xem xét trách nhiệm 23 người; chưa xử lý 2 người.

Theo tienphong

‘Làm xiếc’ trên đất trung tâm Hà Nội cao ốc liên tục xin tăng giảm số phòng

‘Làm xiếc’ trên đất trung tâm Hà Nội cao ốc liên tục xin tăng giảm số phòng

- Tòa nhà thương mại, dịch vụ và khách sạn tại số 2 Ngõ Giếng (Đống Đa, Hà Nội) liên tục tìm cách điều chỉnh phương án kiến trúc công trình bằng cách chia nhỏ số phòng khách sạn từ 38 lên 50 phòng rồi lại xin xuống 46 phòng.