Ngày 9/1/2023, tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đối với bà Vũ Thị Chân Phương.
Trước khi được bổ nhiệm là Chủ tịch UBCK, bà Vũ Thị Chân Phương là Phó Chủ tịch UBCK. Bà Phương cũng từng giữ chức Chánh Thanh tra của UBCK.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, mặc dù mới thành lập hơn 26 năm, nhưng ngành chứng khoán đã có sự trưởng thành vượt bậc, gắn liền với sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, ngày càng khẳng định vai trò rõ nét là kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế và doanh nghiệp, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước. Chia sẻ với những khó khăn mà ngành chứng khoán vừa trải qua, tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý, cần xem đây là bài học quan trọng để khắc phục và hoàn thiện hơn nữa trong công tác xây dựng thể chế, pháp lý, cũng như công tác điều hành, quản lý.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã chỉ đạo ngành chứng khoán cần nỗ lực hơn nữa, phấn đấu thực 10 chữ vàng: “Đoàn kết - Chủ động - Đổi mới - Quyết liệt - Hiệu quả”.
Chức vụ Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi phụ trách, điều hành kể từ ngày 19/5, thay cho ông Trần Văn Dũng do bị kỷ luật.
Bà Vũ Thị Chân Phương là một trong 2 Phó Chủ tịch UBCK bên cạnh ông Phạm Hồng Sơn.
Theo quy định, UBCK có Chủ tịch và không quá 3 Phó Chủ tịch. Chủ tịch là người đứng đầu UBCK, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tài chính và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Uỷ ban. Các Phó Chủ tịch UBCK chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công phụ trách.
Bà Vũ Thị Chân Phương là một trong các lãnh đạo UBCK có nhiều hoạt động hợp tác tài chính quốc tế.
5 nhiệm vụ ngành chứng khoán 2023 Tại Lễ đánh cồng khai trương giao dịch chứng khoán đầu năm 2023 tại Sở GDCK Hà Nội sáng 3/1, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, lãnh đạo Bộ Tài chính đã giao nhiệm vụ cho ngành chứng khoán, tập trung thực hiện thắng lợi một số công việc trọng tâm, gồm: Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách sửa đổi Luật chứng khoán và các văn bản có liên quan tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán về quy mô, đồng thời tập trung nâng cao chất lượng thị trường, nâng cao năng lực tài chính, cạnh tranh của các tổ chức tham gia thị trường, chú trọng đổi mới, áp dụng phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho công tác quản lý, giám sát thị trường. Trên cơ sở chiến lược ngành tài chính, chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, xây dựng một kế hoạch cụ thể để chúng ta triển khai các hoạt động trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống giao dịch, đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động để đảm bảo sự đồng bộ về giao dịch và thanh toán, tạo điều kiện triển khai các sản phẩm mới và tạo thuận lợi cho công chúng đầu tư. Tổ chức triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán để tăng quy mô, chất lượng hàng hóa cho thị trường chứng khoán. Tăng cường công tác giám sát, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát TTCK và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật của thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và hoạt động lành mạnh của TTCK. Trên cơ sở đó, Lãnh đạo Bộ Tài chính tin tưởng rằng năm 2023 TTCK Việt Nam sẽ trở lại mạnh mẽ với sự phát triển cả về quy mô và chất lượng, tiếp tục khẳng định là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế và là công cụ quản lý vĩ mô hiệu quả của Chính phủ, tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa vào sự hưng thịnh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và của công chúng đầu tư. |