Để từng bước đưa ngành chăn nuôi trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế, xã hội, UBND huyện Bắc Bình (Bình Thuận) đã quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi, giết mổ gia súc trên địa bàn các xã Bình Tân, Bình An, Phan Lâm, Hải Ninh, Sông Lũy.
Các ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong lĩnh vực chăn nuôi và phát triển chăn nuôi theo mô hình gia trại, trang trại.
Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh gia súc. |
Tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư ứng dụng hệ thống điều khiển tự động cho gia súc, gia cầm ăn, uống và lắp đặt điều hòa nhiệt độ trong chuồng trại chăn nuôi. Sử dụng thức ăn tổng hợp để tăng năng suất, chất lượng thịt, trứng, đáp ứng nhu cầu thị trường, rút ngắn thời gian chăn nuôi. Chú trọng chọn lọc lai tạo các giống bò, dê mới, bằng cách phối giống thụ tinh nhân tạo, như giống bò Barahman, bò 3B, bò Úc, dê bách thảo, dê Boer. Chuyển đổi chăn nuôi bò thả rông sang gia trại kết hợp trồng cỏ, dự trữ chế biến thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp.
Đến nay, tổng đàn bò của huyện đã phát triển trên 62.050 con, tăng 3.760 con so với năm 2015; đàn heo 70.080 con, đàn dê, cừu 21.100 con. Toàn huyện có 2 trang trại chăn nuôi bò thịt cao sản, với tổng đàn 2.500 con và 6 trang trại chăn nuôi heo thịt, với tổng đàn 34.500 con/lứa…
Theo cơ quan chuyên môn của huyện, trước đây trên địa bàn huyện chủ yếu là hình thức chăn nuôi mang tính hộ gia đình nhỏ lẻ, phương pháp tập quán chăn nuôi có chuyển biến, nhưng chưa nhiều. Bên cạnh đó, các hộ dân chưa chủ động trồng cỏ cao sản và dự trữ chế biến thức ăn cho gia súc. Quy trình chăn nuôi chưa ứng dụng đồng bộ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh thú y, nên dễ xảy ra dịch bệnh.
Hiện, các ngành chức năng huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai nhiều mô hình khuyến nông, hỗ trợ chăn nuôi nông hộ và mở các lớp đào tạo nghề chăn nuôi gia súc, thú y cho lao động nông thôn theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Qua đó, cung cấp kiến thức bổ ích cho nông dân về công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, đẩy lùi các nguy cơ bùng phát dịch, tiến đến phát triển chăn nuôi của tỉnh ổn định.
Thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ, như hỗ trợ bò đực giống, cừu đực giống, gà giống bố mẹ hậu bị chăn nuôi trên đệm lót sinh học và hỗ trợ thụ tinh nhân tạo giống bò 3B, bò Úc. Tập trung phát triển chăn nuôi hướng bán công nghiệp, công nghiệp theo hình thức trang trại, gia trại với quy mô phù hợp.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp khống chế dịch bệnh và tăng cường giám sát, kiểm soát dịch bệnh. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng thuốc thú y, các chất phụ gia trong chăn nuôi và chấm dứt tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Phát triển chăn nuôi theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao gắn với liên kết chuỗi giá trị và kết hợp bảo vệ môi trường. Liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn đến chế biến để nâng cao năng suất, hiệu quả, giảm chi phí trong chăn nuôi. Tổ chức lại hệ thống giết mổ gia súc nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Với các giải pháp trên, huyện Bắc Bình phấn đấu sẽ xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cho gia súc.
Lợi thế khi xây dựng vùng an toàn dịch bệnh là gia súc, sản phẩm gia súc được ưu tiên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; được xem xét cấp giấy chứng nhận đạt quy phạm thực hành chăn nuôi tốt Việt Nam (VietGAHP) khi có yêu cầu. Được phép vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra khỏi vùng dịch (dịch bệnh đã đăng ký). Được ưu tiên tham gia chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm của gia súc từ cơ sở an toàn dịch bệnh cho các cơ sở giết mổ, chế biến, hệ thống cung cấp sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu… Đặc biệt, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh sẽ hạn chế các mầm bệnh nguy hiểm, giúp người chăn nuôi yên tâm sản xuất, nâng cao đời sống.
Thu Hằng