Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang, toàn tỉnh hiện có hơn 480.000 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm khoảng 28% dân số. Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em nói riêng luôn được tỉnh quan tâm, tăng cường. 

Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em được toàn tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh bằng nhiều hình thức.  

W-thachthao-treemgai.png
Công tác phòng chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em nói riêng luôn được tỉnh Bắc Giang quan tâm. 

Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đều chỉ đạo các địa phương tổ chức các cuộc rà soát trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt trên phạm vi toàn tỉnh; theo dõi, cập nhập dữ liệu trẻ em vào phần mềm quản lý trẻ em; thường xuyên rà soát các địa điểm có nguy cơ đuối nước để có biện pháp đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống xâm hại tình dục, phòng, chống đuối nước trẻ em cũng được cấp phát thường xuyên; tổ chức kiểm tra, giám sát công tác này tại địa phương, đối với các vụ đuối nước cần chỉ đạo kiểm tra làm rõ nguyên nhân, xử lý trách nhiệm liên quan, đề ra biện pháp ngăn ngừa tai nạn tương tự tái diễn.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cũng chủ trì, tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành (gồm: Lao động - Thương binh & Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Hội LHPN tỉnh, Tỉnh Đoàn thanh niên) về tình hình thực hiện công tác trẻ em, thực hiện quyền trẻ em, phòng, chống xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em tại 10 huyện, thành phố. 

Các mô hình, điểm tư vấn, câu lạc bộ về bảo vệ chăm sóc trẻ em như: Mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em (Diễn đàn trẻ em, Thăm dò ý kiến trẻ em, Câu lạc bộ Quyền tham gia của trẻ em) được tỉnh xây dựng và duy trì hoạt động. 

Nhờ đó, tỉnh đã giải quyết kịp thời các trường hợp trẻ em bị xâm hại ngay sau khi được phát hiện, giúp các em sớm hòa nhập cộng đồng. Năm 2023, số trẻ tử vong do tai nạn, thương tích ở Bắc Giang giảm còn 33 trẻ (thấp nhất trong 4 năm trở lại đây); trong đó số trẻ em bị tử vong do đuối nước không tăng so với cùng kỳ (28 trẻ)…

Bên cạnh kết quả đạt được nêu trên, công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em còn một số hạn chế, khó khăn và phát sinh những thách thức trong thời gian tới.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bắc Giang đang trong quá trình đô thị hoá, việc mở rộng các khu, cụm công nghiệp, hợp tác xã, tốc độ xây dựng các công trình rất lớn ở khắp các địa phương trong tỉnh. Các dịch vụ như: nhà hàng, quán ăn, nhà nghỉ, nhà trọ, karaoke... nếu không được quản lý tốt, trong khi kiến thức, kỹ năng của người lớn và chính trẻ em về bảo vệ chăm sóc trẻ còn hạn chế, nguy cơ nảy sinh các vấn đề tiêu cực, thậm chí tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích, có thể xảy ra.

Để tập trung giải quyết tốt những vấn đề nảy sinh trong công tác phòng chống xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cần đổi mới công tác tuyên truyền về các nội dung này, trong đó tăng cường tuyên truyền trên mạng internet, mạng xã hội. Cùng đó, Bắc Giang sẽ chú trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán làm công tác trẻ em ở các cấp về công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em; phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi; phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em...

Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong thực hiện nội dung, nhiệm vụ, mục tiêu về bảo vệ chăm sóc trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em tại địa phương... cũng là những giải pháp được đặt ra.  

 

Văn Thường và nhóm PV, BTV