19h, điện còn sáng tại các phòng học của trường Tiểu học An Bá (xã An Bá, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang). Đây là giờ bắt đầu vào học của các lớp xóa mù chữ cho bà con DTTS quanh vùng.
Lớp học xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh Sơn Động là một phần trong những nỗ lực triển khai các giải pháp xóa mù chữ cho người dân, trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Theo báo cáo của Phòng giáo dục và đào tạo huyện Sơn Động, tính đến tháng 9/2024, sau hơn 2 năm triển khai, huyện đã tổ chức 34 lớp, công nhận 685 người dân hoàn thành Chương trình Xóa mù chữ. Trong năm 2024, Sơn Động tiếp tục tổ chức 14 lớp với 334 học viên tham gia.
Bà Đặng Thị Giàu (học viên) cho biết: "Chúng tôi đã lớn tuổi nên nhiều người ngại đi học. Sau khi được các cán bộ tới nhà vận động, hiểu được con chữ là chìa khóa của việc giảm mù thông tin giúp xóa đói giảm nghèo từ đó bà con cố gắng nỗ lực để được tới lớp".
Để phục vụ bà con, tại các điểm trường tổ chức lớp dạy xóa mù chữ luôn sáng đèn, vang vang là tiếng đánh vần của các học viên, tiếng giảng bài của các thầy cô giáo.
Lớp học xóa mù chữ cho đồng bào DTTS tại xã An Bá, hay tại nhiều xã khác trên địa bàn tỉnh Sơn Động như xã Giao Liêm, xã Tuấn Đạo… là một phần trong những nỗ lực triển khai các giải pháp xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
Học viên lớn nhất trên 60 tuổi, học viên nhỏ tuổi nhất ngoài 30 tuổi, mặc dù công việc hàng ngày vất vả nhưng họ quyết tâm học chữ nên hầu như chưa vắng mặt buổi nào. Sau 3 tháng học liên tục vào các buổi tối trong tuần, các học viên đã biết đọc, viết, cộng trừ các phép tính cơ bản.
Hiện, các đơn vị, địa phương tại tỉnh Bắc Giang đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt những nội dung cơ bản của Chỉ thị số 29-CT/TW; các chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông. Đa dạng hóa công tác tuyên truyền, vận động thông qua các hình thức thiết thực, phù hợp với từng đối tượng, nhất là đối với người học và gia đình. Phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh trong công tác tuyên truyền, vận động, giám sát, phản biện xã hội các chủ trương, chính sách về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông; tham gia giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW.