Kể từ khi đặt bước chân đầu tiên đến quốc gia trẻ Đông Timor cho đến khi hoàn thành công cuộc “bình dân hóa” cước viễn thông và sắp đặt những nền tảng cho sự phát triển dịch vụ công nghệ, Telemor – thương hiệu của Tập đoàn Viettel tại đây – đã ghi dấu mốc kỷ niệm 10 năm.

Nhân dịp này, ông Trần Văn Bằng – Tổng giám đốc Telemor đã có chia sẻ về những bước đi trong giai đoạn mới.

{keywords}

Năm ngoái, ông có chia sẻ rằng, vào dịp kỷ niệm 7 năm có mặt tại Timor (2019), Telemor bắt đầu nói câu chuyện về ví điện tử, sau khi tạo ra thay đổi lớn về viễn thông tại đây. Dịp kỷ niệm 9 năm (2021) là câu chuyện làm thay đổi hành vi tài chính cho người dân Timor. Còn câu chuyện 10 năm là gì?

Câu chuyện 10 năm là xây dựng thế hệ số.

Hiện tại Timor không chỉ cần nâng cao về công nghệ, hạ tầng mà chất lượng nhân sự cũng như nhận thức của người dân về công nghệ cũng cần phải được đẩy mạnh.

Cho nên, kiến tạo thế hệ số mà tôi nói đến chính là về con người, tức là Telemor đặt ra nhiệm vụ thay đổi nhận thức về công nghệ tại Timor, từ học sinh sinh viên, công nhân viên chức, cơ quan chính quyền, cho đến người dân. Việc này được thực hiện thông qua công tác số hóa, truyền thông, trải nghiệm dịch vụ mới, đồng hành với các chương trình của chính phủ, cũng như số hóa các tương tác của Telemor với khách hàng.

Việc kiến tạo thế hệ số là nền tảng cho việc kiến tạo xã hội số mà Tập đoàn Viettel luôn nói đến.

{keywords}

Hiện tại, tình hình những sản phẩm công nghệ như Ví điện tử MOSAN, siêu ứng dụng Kakoak… mà Telemor phát triển ở Timor ra sao?

Về ví điện tử MOSAN, tôi xin chia sẻ câu chuyện này.

Tại Timor, chúng tôi có một bác giúp việc, bác sống ở thủ đô nhưng quê ở tỉnh khác. Một hôm, trong cuộc trò chuyện, bác ấy bỗng nhiên khen ví điện tử MOSAN. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Bác cũng biết MOSAN sao?”, bác ấy trả lời: “Ngày trước để chuyển tiền về quê, tôi phải đi ra bến xe buýt nhờ chuyển tiền. Bây giờ, khi có lương, tôi chỉ cần sử dụng dịch vụ Mosan là chuyển được tiền cho người thân ở quê luôn. Tiện lắm!”

Tôi rất vui, rất tự hào vì hóa ra người giúp việc ngay cạnh mình chính là minh chứng cho thành quả mà chúng tôi đã làm được ở Timor.

Hiện tại, MOSAN giúp người dân có thể thanh toán hóa đơn viễn thông, hóa đơn điện, thanh toán khi mua sắm tại siêu thị. Người dân thủ đô bước đầu đã quen với việc sử dụng ví điện tử, nhưng ở các tỉnh, huyện khác thì vẫn rất ít.

Tính đến hiện tại, thuê bao ví tăng trưởng tầm 8-10% so với năm ngoái. Mức tăng trưởng trong năm ngoái cao hơn nhưng chiến lược bây giờ là tập trung vào chăm sóc khách hàng trung thành và phát triển mạng lưới các điểm chấp nhận ví với quyết tâm bao phủ hết Timor.

Còn về Kakoak – một ứng dụng tích hợp các dịch vụ như xem phim, xem truyền hình, chơi game cộng với các tiện ích của nhà mạng như kiểm tra số dư tài khoản, xem chi tiết cước thanh toán, đăng ký các gói cước,... hiện tại đã có 260.000 tài khoản, chiếm 80% thị phần – tăng thêm 80.000 tài khoản so với năm ngoái, hàng ngày có 60.000 người đăng nhập ứng dụng. So với dân số Timor chỉ khoảng 1,2 triệu người, con số này tương đương với 5% dân số, sau chưa đến 2 năm triển khai thì đây là một con số rất ấn tượng.

Mục tiêu của chúng tôi với Kakoak là toàn bộ người dùng Telemor và sau đó là toàn bộ người dân Timor sẽ cài đặt và sử dụng cho mục đích hàng ngày của mình.

{keywords}

Trong năm 2022, con số kinh doanh của Telemor ra sao?

6 tháng đầu năm, chúng tôi rất vui khi được khen thưởng vì các chỉ tiêu chính đều đạt. Doanh thu tăng trưởng 15,9%, tức gấp đôi so với mức 7,5% của kế hoạch.

Thông thường trong lĩnh vực viễn thông, khi kinh doanh đến năm thứ 6 thì thị trường đã bão hòa, nên mức tăng trưởng 4-5% cũng là điều thách thức. Năm ngoái, Telemor chỉ tăng trưởng 2-3% do dịch Covid nhưng đến năm thứ 10 này, mức tăng trưởng đạt 2 con số. Làm được điều này là nhờ Telemor đẩy mạnh phát triển thuê bao 4G, chuyển đổi các thuê bao 2G, 3G sang 4G và áp dụng chuyển đổi số.

Năm nay Tập đoàn đặt ra thách thức cho chúng tôi là đẩy mạnh tăng trưởng về 4G thêm 80.000 thuê bao mới. Chúng tôi rất tự tin mình sẽ hoàn thành mục tiêu Tập đoàn đã đề ra.

{keywords}

Có mặt tại Timor đã 10 năm, ông có thể chia sẻ những thay đổi mà Telemor đã tạo ra cho thị trường viễn thông nơi đây?

Điều khiến chúng tôi tự hào đó là sự xuất hiện của Telemor đã góp phần thay đổi nền viễn thông Timor. Telemor đã khiến giá cước viễn thông vốn được coi là thứ hàng hoá xa xỉ, trở thành bình dân, phổ cập để ai cũng có thể sử dụng.

Năm 2012 khi chúng tôi sang Timor bắt đầu triển khai hạ tầng mạng lưới, cước data là 1 USD/giờ, cước gọi 1 USD được tối đa 4 phút. Với sự tham gia của Telemor, tính đến thời điểm hiện tại, với 1 USD, người dân dùng được data trong 4-5 ngày, gọi thoại trong hơn 100 phút chưa tính đến các gói khuyến mại.

Có thể thấy sau 10 năm Viettel hiện diện tại Timor, giá dịch vụ cước thoại đã giảm đến 30 lần còn cước data giảm cả trăm lần. Mật độ dân số dùng điện thoại từ 55% và chỉ nhà giàu sử dụng, đã tăng lên 113% dân số, đặc biệt giúp cho người dân ở những vùng sâu, vùng xa nghèo nàn, lạc hậu cũng có thể sử dụng dịch vụ viễn thông.

Bên cạnh đó, Telemor cũng góp phần đẩy mạnh nền công nghệ viễn thông, dịch vụ công nghệ thông tin tại Timor. Chúng tôi luôn là đơn vị tiên phong đưa những dịch vụ tốt nhất đến cho tất cả mọi người. Từ công nghệ 2G, lên 3G, 4G và hiện nay chúng tôi cung cấp 4G+. Câu chuyện 5G cũng đã được Tập đoàn đặt mục tiêu cho Telemor đến cuối năm 2025.

Chúng tôi rất vui vì người dân ở vùng sâu vùng xa dành rất nhiều tình cảm cho Telemor. Khi nhân sự của Telemor đi đến đâu là người dân đều hô khẩu hiệu của Telemor.

Không chỉ vậy, chúng tôi tự hào vì đã góp phần đưa hình ảnh của Timor ra quốc tế trong lĩnh vực công nghệ, bởi vì Telemor là công ty đi đầu ở Timor tham gia và giành các giải thưởng quốc tế danh giá. Khi đó, những người bạn quốc tế biết thêm về một đất nước trẻ như Timor trên bản đồ công nghệ.

Có thể nhắc đến một niềm tự hào là Telemor đã thuyết phục được Facebook và Google chấp nhận đặt hệ thống tại Timor. Các ông lớn này thường không quan tâm đến những thị trường có lượng người dùng quá thấp, nhưng với lợi thế thương hiệu Viettel, Telemor đã đưa được Facebook, Google về với Timor để nâng cao trải nghiệm dịch vụ cho người dân.

{keywords}

Sau 10 năm phát triển tại Timor, theo ông, những yếu tố quan trọng nhất để Telemor đạt được thành công là gì?

Tôi nghĩ có mấy điều thế này.

Một, chúng tôi đặt khách hàng là trọng tâm khi xây dựng và cung cấp dịch vụ sản phẩm của mình.

Hai, tuân thủ pháp luật. Để một doanh nghiệp hoạt động và phát triển bền vững thì phải có tinh thần thượng tôn pháp luật, tuân thủ các quy trình, quy định của nhà nước, đồng hành cùng với nhà nước.

Ba, không ngại khó khăn. Trong Covid chẳng hạn, tất cả mọi người đều khó khăn. Vậy chúng ta cần hỗ trợ Chính phủ như thế nào, phục vụ người dân ra sao, đảm bảo chất lượng như thế nào? Luôn đi đầu trong tư tưởng và hành động, vượt qua được lúc khó khăn nhất thì chúng ta sẽ vượt qua đối thủ, vượt qua chính mình.

Cuối cùng là công nghệ. Áp dụng công nghệ góp phần quan trọng cho sự thành công của Telemor đến nay. Khi có công nghệ mới, chúng tôi cố gắng đi trước đón đầu. Nhanh hơn người khác chính là cơ hội cho mình. Chuyển đổi số, ví điện tử, siêu ứng dụng… là các dẫn chứng. 

{keywords}
Điều khiến người dân Timor ấn tượng với Telemor là câu chuyện: Đi đâu cũng có dịch vụ của Telemor.
Với những người nào quan tâm hơn một chút thì sẽ biết về văn hóa làm việc không nghỉ của Telemor. Việc Telemor làm việc buổi tối hay cuối tuần là chuyện bình thường trong khi các nhà mạng khác đều nghỉ. Nhờ đó dịch vụ được cung cấp thông suốt và được người dân tin dùng.
Vậy nên nếu bạn hỏi một người dân Đông Timor về Telemor, chắc chắn là họ sẽ giơ ngón tay cái lên với bạn và nói “Hetan Diak Liu” nghĩa là Telemor đem đến những điều tốt đẹp hơn cho người dân.

Cảm ơn ông!

Trần Long