Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn - Trưởng Ban Chỉ đạo 138 tỉnh vừa ký ban hành Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống mua bán người năm 2024.
Theo đó, Công an tỉnh, các sở, ngành, địa phương tập trung xác định rõ đối tượng, nội dung và phương pháp truyền thông phù hợp nhằm kéo giảm số vụ phạm tội mua bán người, đặc biệt dưới hình thức lừa đảo xuất cảnh ra nước ngoài làm việc nhẹ lương cao; mua bán người trong nội địa.
Đẩy mạnh truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chú trọng tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng; tuyên truyền chính sách, pháp luật về đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; xây dựng tài liệu truyền thông, tổ chức nói chuyện chuyên đề, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, các hoạt động sân khấu hóa, xây dựng pano, áp phích…
Tăng cường tuyên truyền về công tác phòng, chống mua bán người trên cổng thông tin điện tử các đơn vị, địa phương, đặc biệt là trên Cổng Thông tin điện tử của Công an tỉnh.
Phối hợp với chi nhánh các nhà mạng viễn thông trên địa bàn tỉnh gửi tin nhắn tuyên truyền, cảnh báo đến người dân về phòng, chống mua bán người trên hệ thống điện thoại di động, đặc biệt là trong thời gian hưởng ứng Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngành văn hóa, thể thao và du lịch gắn với việc xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về phòng ngừa tội phạm, phòng, chống mua bán người, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
Phát huy vai trò của lực lượng Công an xã, phường, thị trấn và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa bàn cơ sở để tuyên truyền đến mỗi người dân về phòng, chống mua bán người.
Tổ chức chiến dịch truyền thông về phòng chống mua bán người trong học sinh, sinh viên ở các trường phổ thông cơ sở, trường nghề, Trường Cao đẳng Bắc Kạn với nội dung tập trung tuyên truyền phòng, chống mua bán người trong nội địa, mua bán người dưới hình thức lừa đảo xuất khẩu lao động việc nhẹ, lương cao.
Tổ chức lồng ghép nội dung phòng ngừa tội phạm mua bán người vào quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giải quyết vấn đề an sinh xã hội, an dân (như vấn đề về hỗ trợ việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, thực hiện chính sách ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…) không để nhóm yếu thế này trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Năn 2024, tỉnh Bắc Kạn cũng tập trung đổi mới phương pháp thu thập thông tin theo hướng liên kết địa bàn nội địa - khu vực biên giới - ngoại biên. Tăng cường thu thập thông tin trên không gian mạng, nắm chắc các hội, nhóm, đường dây trên không gian mạng liên quan đến tội phạm mua bán người. Chú trọng phòng ngừa, phát hiện mua bán người trong nội địa và ra nước ngoài nhằm mục đích mại dâm, cưỡng bức lao động.
Chú trọng công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú và hoạt động của người nước ngoài tại Việt Nam. Quản lý, rà soát, kiểm tra hành chính các lĩnh vực môi giới cho nhận con nuôi, kết hôn, lao động có yếu tố nước ngoài, du lịch, thăm thân..., các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự như các cơ sở kinh doanh, cho thuê lưu trú, nhà hàng, massage, karaoke, khu công nghiệp, khu di tích, địa bàn giáp ranh... để chủ động phòng ngừa, phát hiện tội phạm mua bán người và nạn nhân bị mua bán.
Tập trung làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm mua bán người ngay từ địa bàn cấp xã. Tiến hành xác minh, điều tra, xử lý tội phạm bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để oan, sai, bỏ lọt tội phạm.
Mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn tỉnh, thời gian từ ngày 1/7/2024 đến 30/9/2024. Sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý các đường dây, tổ chức, cá nhân có biểu hiện nghi vấn hoạt động mua bán người, mua bán người trong nội địa, mua bán bộ phận cơ thể người, tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, các hoạt động lợi dụng tổ chức đưa người trốn ra nước ngoài trái phép để mua bán, cưỡng bức lao động...
Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án, mua bán người; đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không để xảy ra việc xét xử oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Làm tốt công tác bảo vệ nạn nhân trong quá trình giải quyết xét xử.
Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, phát hiện các sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước mà các đối tượng có thể lợi dụng để mua bán người (nhất là các lĩnh vực bảo vệ, xác minh, hỗ trợ cho các nạn nhân bị mua bán, quản lý hộ tịch, đăng ký kết hôn, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài); tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong thi hành pháp luật để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ về quản lý công tác hộ tịch, quốc tịch, con nuôi. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong việc quản lý, theo dõi, cung cấp thông tin về trợ giúp pháp lý. Thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho người dân, đặc biệt là nạn nhân bị mua bán.
Thanh Minh