Khi mới tái lập, tỉnh Bắc Kạn gặp rất nhiều khó khăn: Tình hình kinh tế, xã hội kém phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm do đặc trưng là kinh tế thuần nông. Thu ngân sách thấp, chưa đáp ứng 10% nhu cầu chi toàn tỉnh. Cơ sở vật chất, kỹ thuật hạ tầng thấp kém, nhà cửa, phương tiện làm việc, đi lại thiếu thốn, đường giao thông khó khăn. Tỷ lệ đói nghèo chiếm hơn 50% số hộ dân.
Triển khai xây dựng nông thôn mới, tỉnh xác định nông, lâm nghiệp là hướng đi chính trong phát triển kinh tế, Bắc Kạn đã tập trung nhiều nguồn lực phát triển lĩnh vực này.
Ngoài nguồn lực từ TW, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách cụ thể để khuyến khích phát triển nông, lâm nghiệp. Nhờ đó, từ chỗ trước đây nhiều hộ còn thiếu ăn, đến nay tỉnh đã đảm bảo an ninh lương thực. Nông nghiệp hàng hóa phát triển nhanh, nhiều vùng chuyên canh như: Vùng chuyên canh cây cam, quýt; cây dong riềng; cây hồng không hạt, cây nghệ … đã hình thành. Những sản phẩm nông sản đặc trưng đã và đang vươn mình ra thị trường trong và ngoài nước. Những cánh rừng giờ đây đã bạt ngàn màu xanh, gỗ từ rừng trồng đã giúp công nghiệp chế biến lâm sản phát triển nhanh và mạnh tại Bắc Kạn. Những hộ dân có thu nhập hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng từ sản xuất nông nghiệp và chế biến nông, lâm sản xuất hiện ngày càng nhiều. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh chóng. Nếu như khi tái lập tỉnh, tỉ lệ hộ nghèo còn chiếm trên 50% thì đến nay theo chuẩn nghèo mới toàn tỉnh chỉ còn hơn 21%.
Giáo dục cũng là thành tựu quan trọng mà Bắc Kạn đã đạt được. Nếu như trước đây, nhiều dân chưa biết chữ, phòng học tạm bợ, thiếu giáo viên giảng dạy thì đến nay đã vươn lên phát triển toàn diện. Với bậc học mầm non, toàn tỉnh đã có gần 47% số phòng học được xây dựng kiên cố, tỷ lệ này của bậc tiểu học là gần 54% và THCS là hơn 72%. Tất cả các trường THPT đã xây dựng kiên cố. Toàn tỉnh đã có hơn 100 trường học đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ giáo viên phổ thông đạt chuẩn hơn 82%.Tất cả trẻ em, học sinh đã được đến trường. Đặc biệt, ở những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, giáo dục luôn được quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ.
Một thành tựu nổi bật nữa là công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Ở tất cả các huyện và thành phố, các trung tâm y tế đã được nâng cấp cải tạo hệ thống cơ sở vật chất, máy móc ngày càng hiện đại. Tỉnh cũng đã xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh, quy mô 500 giường bệnh, với máy móc, thiết bị hiện đại. Bệnh viện đã khám, điều trị được nhiều căn bệnh mà trước đây phải chuyển về tuyến TW. Cùng với đó, tỉnh cũng quan tâm xây dựng đội ngũ y, bác sỹ giỏi về chuyên môn, chuẩn mực về đạo đức để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Nổi bật trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân là hệ thống y tế cơ sở đã phủ khắp các xã. Đến nay 100% các xã, phường, thị trấn đã có nhà trạm; Hơn 94 % trạm y tế xã có bác sỹ làm việc; 100% thôn, bản, tổ phố có nhân viên y tế thôn bản hoạt động. Nhờ hệ thống y tế cơ sở này, người dân đã dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản. Nếu như trước đây, một số bệnh lý thông thường người dân phải lặn lội lên tận trung tâm huyện thì bây giờ họ được khám, chữa bệnh ngay tại các trạm y tế xã.
Hệ thống điện đường trường trạm, trụ sở, bộ mặt đô thị từng bước nâng cao khiến nhiều sau nhiều năm quay lại Bắc Kạn phải ngỡ ngàng. Trong thời gian tới, Bắc Kạn sẽ tập trung phát triển kinh tế rừng, phát triển du lịch Ba Bể, du lịch lịch sử, tập trung trong sản xuất công nghiệp chế biến, đầu tư các kết nối hạ tầng quan trọng để kết nối vùng.
Tuyến đường BOT từ huyện Chợ Mới đi Thái Nguyên hoàn thành kết nối với tuyến cao tốc Thái Nguyên đi Hà Nội đã giúp việc đi lại thông thương hàng hóa dễ dàng hơn. Nếu như trước đây, đi từ thủ đô Hà Nội đến Bắc Kạn mất từ 4 đến 5 tiếng đồng hồ, thì nay, thời gian rút ngắn chỉ còn hơn 2 tiếng. Đến nay, hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh là hơn 7 nghìn km. Trong đó có 5 tuyến quốc lộ dài hơn 456 km; 13 tuyến đường tỉnh dài hơn 450 km.
Hạ tầng ngày càng phát triển tạo điều kiện cho Bắc Kạn phát triển công nghiệp, dịch vụ và thu hút đầu tư vào tỉnh. Khu công nghiệp Thanh Bình ở huyện Chợ Mới kết nối với tuyến BOT mới hoàn thành đã trở thành trung tâm công nghiệp thu hút nhiều nhà đầu tư đến làm ăn. Ngoài ra, Bắc Kạn cũng phát triển mạnh công nghiệp khai khoáng. Trong đó chú trọng chế biến sâu các sản phẩm từ khoáng sản để nâng cao giá trị. Công nghiệp chế biến nông, lâm sản cũng là thế mạnh của tỉnh. Với nguồn nguyên liệu dồi dào, đây đã và đang là lĩnh vực có đóng góp không nhỏ và tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, phát huy các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt về giao thông, trường học, y tế, phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch, quản lý tốt tài nguyên khoáng sản, ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, Bắc Kạn phấn đấu có 56 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 174 thôn đạt chuẩn nông thôn mới; Số tiêu chí nông thôn mới bình quân/xã đạt từ 13 tiêu chí nông thôn mới trở lên, không còn xã dưới 10 tiêu chí.
Yến Hưng