Phần lớn nạn nhân bị mua bán là phụ nữ và trẻ em gái, vì vậy những năm qua, tỉnh Bạc Liêu triển khai nhiều hoạt động và mô hình truyền thông về phòng, chống mua bán người tại cộng đồng.

Thực hiện Quyết định số 1957/QĐ-TTg ngày 30/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch tổ chức thực hiện Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đặt ra 3 mục tiêu cụ thể. Đó là nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

{keywords}
Pano tuyên truyền của tỉnh Bạc Liêu về phòng, chống buôn bán người. 

Để hoàn thành mục tiêu, tỉnh tập trung vào các quy định về phòng ngừa mua bán người, bảo vệ nạn nhân bị mua bán, thực thi pháp luật, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi mua bán người, hợp tác, điều phối quốc tế và khu vực. Từ đó thống nhất nhận thức, nâng cao trách nhiệm, năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, quản lý, cán bộ làm công trực tiếp làm công tác phòng, chống mua bán người ở các cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân, phù hợp với từng đối tượng, giới tính, độ tuổi, nghề nghiệp, trình độ dân trí, đặc điểm của từng vùng miền, địa phương để chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện các hành vi mua bán người.

Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Tương trợ tư pháp, Luật Điều ước quốc tế, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật Trẻ em, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan bảo đảm phù hợp với các quy định của Công ước ACTIP, gắn kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống mua bán người.

Đẩy mạnh công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, xác định nạn nhân bị mua bán và chuyển tuyến để thực hiện các chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ và bí mật thông tin về nạn nhân theo quy định của pháp luật.

Bảo đảm chỗ ở tạm thời cho nạn nhân bị mua bán, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em được bảo vệ, hỗ trợ để phục hồi thể chất, tâm lý, xã hội và tái hòa nhập cộng đồng. Huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và các doanh nghiệp.

Thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật để đảm bảo nhanh chóng trong việc thực hiện các hoạt động giải cứu, bảo vệ, phục hồi, hồi hương và tái hòa nhập cộng đồng đối với nạn nhân bị mua bán.

Bảo đảm cho nạn nhân bị mua bán sử dụng ngôn ngữ mà họ hiểu được; thông tin về các quyền và lợi ích hợp pháp của họ, tạo điều kiện để họ tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, bảo đảm quyền bào chữa của nạn nhân bị mua bán phù hợp với Công ước ACTIP.

Triển khai khẩn trương việc xác định nạn nhân, đặc biệt là tuổi của nạn nhân để bảo đảm cung cấp các dịch vụ phù hợp. Trong trường hợp chưa chắc chắn về độ tuổi nhưng nếu nạn nhân có khả năng là trẻ em thì cần coi nạn nhân đó là trẻ em và quy trình xác định nạn nhân, phỏng vấn cần áp dụng đầy đủ các nguyên tắc và quy định của pháp luật trong nước phù hợp với pháp luật quốc tế về quyền trẻ em, nhất là Công ước quốc tế về quyền trẻ em.

Kịp thời thực hiện các dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp, phục hồi và tái hòa nhập cho nạn nhân bị mua bán, như hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại, y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn cũng như nâng cao nhận thức nhằm phòng tránh kỳ thị và phân biệt đối xử đối với nạn nhân khi họ hồi hương.

Tỉnh xác định một trong những nguyên nhân dẫn đến nạn buôn bán người là tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm của phụ nữ. Vì vậy, chú trọng thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển sinh kế cho nạn nhân bị mua bán trở về, bao gồm cả giáo dục căn bản, tập huấn kỹ năng, đặc biệt cho nạn nhân là phụ nữ.

Chỉ đạo các ngành liên quan khảo sát nhu cầu, tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo các nghề như: Chăn nuôi, trồng trọt, tiểu thủ công nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ sau đào tạo, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cho hội viên, phụ nữ có nguy cơ cao, nhất là phụ nữ vùng nông thôn, phụ nữ vùng giải phóng mặt bằng, tái định cư, vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển.

Đẩy mạnh công tác tín chấp, ủy thác với các ngân hàng nhằm hỗ trợ, giúp chị em tiếp cận các nguồn vốn xây dựng các mô hình kinh tế. Thông qua các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế, giải quyết việc làm ổn định cho chị em phụ nữ tại địa phương, hạn chế đáng kể việc phụ nữ bươn chải đi làm ăn xa, tránh nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Cải thiện khả năng tiếp cận các cơ hội và hoạt động giáo dục cho trẻ em để nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người và tăng tỷ lệ trẻ em đến trường, đặc biệt là trẻ em gái.

Diệu Bình