Hiện nay, Bạc Liêu có 115 hệ thống cấp nước tập trung ở nông thôn hoạt động hiệu quả. Toàn tỉnh có 100% xã đạt tiêu chí nước sạch trong xây dựng nông thôn mới.

Tỷ lệ số dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,9%, tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia đạt gần 73,3%. 

Tính đến tháng 9/2023, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bạc Liêu đã khởi công xây dựng nhiều công trình cung cấp nước sạch. Người dân đều chung tâm trạng vui mừng vì thoát cảnh xách nước để dự trữ sử dụng như trước và được đảm bảo chất lượng.

Trong số 115 công trình trạm cấp nước do Trung tâm quản lý, có 68 công trình hoạt động bền vững (chiếm 59,13%) và 47 công trình hoạt động trung bình (chiếm 40,87%).

bru van kieu quang tri 15.jpg
Nước sạch về với người dân vùng khó khăn. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Tổng công suất thiết kế công trình cấp nước sạch nông thôn là 46.212m3/ngđ (mét khối trên mỗi ngày trên đường ống); công suất khai thác nước 33.714m3/ngđ, đạt 72,96% so với thiết kế. Số hộ đấu nối đồng hồ sử dụng nước sạch các trạm cấp nước đến tháng 7/2023 là 83.390 hộ.

Giá nước tiêu thụ của người dân là 4.800 đồng/m3, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội và phù hợp với khả năng chi trả của người dân khu vực nông thôn.

Khó khăn hiện nay là việc đầu tư công trình cấp nước liên quan nhiều lĩnh vực khác nhau; phần lớn các công trình, dự án không còn quỹ đất công; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, thu hồi đất xây dựng công trình rất khó khăn.

Bên cạnh đó, việc sửa chữa và di dời các tuyến đường ống làm ảnh hưởng đến chất lượng và gián đoạn cấp nước sinh hoạt cho người dân, một số nơi có hiện tượng nguồn nước bị cặn, đục, chất lượng kém…

Đáng chú ý, trên địa bàn tỉnh hiện còn 3 khu vực chưa có nhà máy nước. Do đó, để đảm bảo chất lượng các mục tiêu nước sạch trong xây dựng nông thôn mới, Bạc Liêu đề xuất Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ triển khai thêm 22 công trình cấp nước nông thôn tập trung.

Đồng thời, hỗ trợ tỉnh xây dựng mô hình thí điểm thu gom, xử lý nước thải nông thôn tập trung thuộc Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025…

Thực tế, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 3.928 công trình cấp nước nông thôn tập trung; trong đó số lượng công trình hoạt động bền vững là 2.450 công trình, chiếm 62%.

Đây là vùng có tỷ lệ công trình hoạt động bền vững cao so với trung bình toàn quốc. Một số địa phương như: Trà Vinh, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu…, có số lượng công trình hoạt động bền vững cao, từ 70-100%.

Giá nước trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long chưa tương ứng với giá thành sản xuất, thấp nhất 2.000-3.000 đồng, cao nhất 11.000-12.000 đồng. Hiện nay, các tỉnh thành vẫn chưa ban hành chính sách hỗ trợ giá nước cho các công trình có giá nước thấp so với quy định.

Việc triển khai thực hiện tiêu chí nước sạch trong xây dựng nông thôn mới tại Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn. Tuy nhiên, việc thực hiện tiêu chí nước sạch đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn của các địa phương.

Theo Cục Thủy lợi, biến đổi khí hậu và sự gia tăng sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn làm cho nguồn nước ngọt vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang có xu hướng suy giảm về trữ lượng và chất lượng, dẫn đến nguy cơ thiếu nước ngọt cho sinh hoạt vào mùa khô, đặc biệt các tỉnh ven biển.

Tình trạng sụt lún đất ở vùng này do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc khai thác nước ngầm quá mức, trong khi nước biển dâng khoảng 0,3cm/năm. Ô nhiễm nguồn nước và môi trường ngày càng tăng và khó kiểm soát đang là những thách thức đối với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Do đó, các địa phương cần ban hành cơ chế chính sách xã hội hóa thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, quản lý khai thác, vận hành công trình cấp nước nông thôn tập trung phù hợp với đặc thù của vùng và đảm bảo chính sách an sinh xã hội.

Đồng thời, hỗ trợ giá nước sạch nông thôn theo quy định phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương để đảm bảo đủ kinh phí cho duy tu, bảo dưỡng, đặc biệt là khu vực có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; đẩy nhanh việc thực hiện dự án đầu tư công trình cấp nước trung hạn giai đoạn 2021-2025 đảm bảo đúng tiến độ và mục tiêu của dự án.

Anh Thư