Nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân và các cơ sở sản xuất từng bước tiếp cận và ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và của tỉnh trong phát triển kinh tế số, thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp; ký kết Chương trình phối hợp với Bưu điện tỉnh triển khai hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa; rà soát, hỗ trợ 4.067 hộ đăng ký tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử POSTMART; tập huấn, hướng dẫn phương thức bán hàng trên sàn thương mại điện tử cho 800 hội viên, nông dân; tập huấn về về sở hữu trí tuệ cho 200 hội viên, nông dân.

Chỉ đạo Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh thực hiện chương trình hỗ trợ 9 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX đăng ký 19 sản phẩm trên sàn thương mại điện tử Postmart; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho 13 sản phẩm; hỗ trợ 29 sản phẩm tham gia chương trình OCOP...

Từ những hỗ trợ của Hội Nông dân cùng sự chủ động, tích cực tiếp thu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, thích ứng với yêu cầu phát triển xã hội, đến nay, nhiều hội viên nông dân trong tỉnh đã ứng dụng công nghệ số vào chăm sóc cây trồng, quản lý trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; sử dụng thương mại điện tử, mạng xã hội để tìm kiếm thị trường, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm đem lại hiệu quả thiết thực.

bac ninh.jpg
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh thăm mô hình trồng cà chua trong nhà màng của hội viên Nguyễn Thị Trâm, xã Minh Tân (Lương Tài).

Bà Nguyễn Thị Trâm, xã Minh Tân (huyện Lương Tài) là điển hình về đầu tư xây dựng hơn 2 ha nhà màng, nhà lưới áp dụng công nghệ tưới tự động, sản xuất rau ăn lá, dưa các loại cung cấp cho nhà hàng, siêu thị lớn. Bà Trâm sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook quảng bá, giới thiệu sản phẩm, được đông đảo người tiêu dùng đón nhận. Hay như ông Nguyễn Văn Hiệp, Giám đốc HTX Liên Ấp đầu tư xây dựng mô hình sản xuất rau sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, dùng tem điện tử thông minh (QR code) truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm của HTX.

Ngoài ra, nhiều hội viên, nông dân chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như chuồng nuôi tuần hoàn khép kín, lắp đặt máng ăn, uống tự động, có hệ thống điều hòa nhiệt độ làm mát về mùa hè, sưởi ấm về mùa đông, hệ thống camera giám sát quản lý toàn bộ quá trình chăm sóc, cho ăn, phát triển của vật nuôi. Một số nông dân chăn nuôi gia công cho doanh nghiệp sản xuất con giống (gà, lợn) thuộc tập đoàn Dabaco Việt Nam cũng đưa chuyển đổi số vào trong một khâu hay một công đoạn sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả, giảm chi phí sản xuất.

Thực tế cho thấy việc hỗ trợ nông dân thực hiện chuyển đổi số đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế, rời rạc, chưa đồng bộ, trình độ còn thấp… Vì vậy, thời gian tới, Hội Nông dân sẽ tăng cường tổ chức tập huấn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh. Hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp cách mở tài khoản, tham gia giao dịch trên sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream)… để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân chuyển đổi số nhằm tiến tới phát triển một nền nông nghiệp thông minh, bền vững.

Theo Quang Minh (Báo Bắc Ninh)