Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh có gần 1.350 cơ sở chế biến nông sản thực phẩm, trong đó có 25 doanh nghiệp sơ chế, chế biến nông sản thực phẩm và trên 1.300 cơ sở chế biến có quy mô nhỏ lẻ. Việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông sản, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, chế biến, bao tiêu sản phẩm đã giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến nông sản ngày càng phát triển, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Là doanh nghiệp xay xát, chế biến lúa gạo lớn nhất khu vực phía Bắc, 15 năm qua, Công ty TNHH Hoàng Đạt, thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, đầu tư hệ thống máy xay xát tự động và thử nghiệm thành công dự án ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất lúa gạo an toàn theo chuỗi liên kết giá trị.
 

vinh phuc 1.jpg
Công ty TNHH Hoàng Đạt tạo việc làm cho gần 60 lao động với mức lương bình quân gần 10 triệu đồng/người/tháng.

Ông Vũ Quang Long, Giám đốc công ty cho biết: Công ty TNHH Hoàng Đạt thành lập năm 2009. Ngày mới thành lập, công ty chỉ cung ứng các loại gạo thông thường cho thị trường trong tỉnh và một số tỉnh, thành phố lân cận. Năm 2017, nhận thấy lợi thế, tiềm năng sản xuất lúa gạo trên địa bàn tỉnh và nhu cầu sử dụng các loại gạo chất lượng cao của người dân, công ty đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng mở rộng nhà xưởng trên 10.000m2; đầu tư dây chuyền xay xát lúa gạo theo công nghệ hiện đại bậc nhất Việt Nam với công suất trên 200 tấn/ngày. Đồng thời, tập trung triển khai dự án ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất lúa gạo an toàn theo chuỗi liên kết giá trị.

Theo ông Long, thực tế lúa gạo Việt Nam nói chung, của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng không thua kém bất cứ quốc gia sản xuất lúa gạo nào trên thế giới, nhưng có một thời gian dài, gạo Việt bị lép vế gạo Thái Lan bởi mẫu mã sản phẩm. Góp phần giải quyết bài toán này, Công ty TNHH Hoàng Đạt tiếp tục đầu tư dây chuyền sản xuất gạo hiện đại theo công nghệ của Đức, gồm: Máy tách màu hạt gạo, máy đánh bóng, máy nén khí... Tất cả các loại gạo sau khi được tách màu, đánh bóng sẽ được đóng bao bì, in logo của công ty, bảo đảm thương hiệu và chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, để tiết kiệm chi phí sản xuất và tận dụng được nguồn trấu sẵn có, công ty đã đầu tư thêm dây chuyền hiện đại chế biến các sản phẩm phụ như cám trấu được nén chặt thành củi trấu dùng để đun nấu và chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm theo quy trình khép kín. Hiện các sản phẩm gạo ăn cao cấp, gạo làm bún, bánh, gạo tấm, gạo rượu, cám, củi trấu của công ty đã có mặt trên khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Hướng đến mục tiêu xuất khẩu, Công ty TNHH Hoàng Đạt sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tất cả các khâu hoạt động của nhà máy. Cùng với đó, nhân rộng mô ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất lúa gạo an toàn theo chuỗi liên kết giá trị. Thực hiện hỗ trợ giống, vật tư và cam kết bao tiêu sản phẩm lúa gạo cho bà con nông dân, góp phần nâng cao mức sống người dân, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Cũng là doanh nghiệp tiên phong ứng dụng công nghệ số trong quản lý, chế biến sản phẩm nông nghiệp, những năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty cổ phần Thực phẩm Điện Biên (DBFood), thành phố Phúc Yên không ngừng phát triển, nhất là năm 2023 khi công ty nhận Giải đặc biệt tại cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa với Dự án Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và phát triển sữa gạo lứt hữu cơ do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.

Chị Hoàng Thị Thùy Linh, Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết: Công ty cổ phần Thực phẩm Điên Biên được thành lập và đi vào hoạt động năm 2019 trên sự chuyển giao công nghệ sản xuất của Công ty TNHH Nông sản thực phẩm sinh thái Điện Biên. 4 năm đầu thành lập, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty rất khó khăn. Trung bình mỗi ngày, công ty chỉ có 30 - 40 đơn hàng. Tuy nhiên, từ tháng 10/2023, nhờ tiếng vang của cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa, số lượng đơn đặt hàng của công ty tăng gấp 4, gấp 5 lần so với trước, đưa tổng doanh thu tăng gần 20% kế hoạch năm và tăng 40% so với năm 2022.
 

vinh phuc 2.jpg

Các sản phẩm của DBFood ngày càng được tiêu thụ mạnh ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Để khẳng định chỗ đứng trên thị trường, tất cả các sản phẩm DBFood đều làm từ nguyên liệu gạo trồng và chăm sóc theo quy trình VietGap. Trong quá trình chế biến, công ty sẽ không tiến hành rang gạo theo cách thông thường mà thực hiện chiết tách nano nhằm giữ nguyên những thành phần dinh dưỡng của lớp màng gạo, tạo ra các sản phẩm gạo lứt chất lượng, khác biệt trên thị trường.

Hiện công ty có 9 sản phẩm chế biến từ gạo lứt được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh, như: Bột sữa gạo lứt sinh thái Điện Biên vị mặn, bột sữa gạp lứt sinh thái Điện Biên vị ngọt, bột sữa gạp lứt sinh thái Điện Biên dành cho người ăn kiếng; sản phẩm sữa gạo lứt sinh thái Điện Biên dạng nước đóng chai; trà gạo lứt nguyên hạt hoa bách hợp, trà gạo lứt nguyên hạt hoa đậu biếc, trà gạo lứt nguyên hạt cây chùm ngây…

Với chiến lược kinh doanh là lấy khách hàng làm trung tâm và chất lượng sản phẩm không ngừng được nâng cao, các sản phẩm của DBFood đã được tiêu thụ rộng khắp các tỉnh, thành trong cả nước, với sản lượng bình quân từ 800 - 1.500 hộp sản phẩm/ngày.  

Thực hiện tiêu chí xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại các huyện nông thôn mới, từ năm 2021 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai 13 chương trình, kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao.

Kết quả bước đầu triển khai cho thấy, các mô hình chuỗi liên kết đã làm thay đổi tư duy sản xuất, đem lại lợi ích thiết thực cho các bên tham gia, nhất là đối với bà con nông dân. Chẳng hạn như Công ty TNHH Sản xuất và Phân phối nông sản sạch OFP, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc. Trên diện tích thâm canh 3,9 ha/vụ, công ty đã trồng luân canh gối vụ các loại rau theo chuẩn VietGAP; ứng dụng công nghệ số trong tất cả các khâu, từ làm đất, tưới tiêu, sơ chế, đóng gói, bảo quản, vận chuyển. Với chất lượng rau, củ, quả tốt, mỗi ngày, công ty cung cấp khoảng 1 tấn rau, củ, quả an toàn cho các bếp ăn trường học, doanh nghiệp, siêu thị trong và ngoài tỉnh.

Hướng tới sức khỏe người tiêu dùng, công ty đã xây dựng thành công kỹ thuật canh tác theo hướng hữu cơ và đã được cấp Chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn TCVN 11041 - 2 : 2017 đối với 10 loại rau, củ, quả. Đồng thời, đầu tư xây dựng nhà sơ chế rau, củ, quả, bảo đảm an toàn theo chuẩn ISO 22000 : 2018. Các sản phẩm sau khi sơ chế, đóng gói được dán tem gắn mã số, mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm, với giá bán cao hơn 15 - 20% so với sản phẩm cùng loại của người dân sản xuất tự do và lợi nhuận bình quân 1 ha đạt gần 140 triệu đồng/vụ.

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp nói chung và trong chế biến nông sản nói riêng, tỉnh Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, đối với lĩnh vực chế biến nông sản, tỉnh sẽ ưu tiên nguồn lực triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch để nâng cao hiệu quả sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Cùng với đó, khuyến khích phát triển, ứng dụng công nghệ số trong chế biến sâu, chế biến tinh, trong từng khâu sản xuất, giảm xuất khẩu sản phẩm thô. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả của ngành.

Đặc biệt, ngành Nông nghiệp Vĩnh Phúc sẽ áp dụng đầy đủ hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình kỹ thuật trong sản xuất và chế biến nông sản, tạo ra những sản phẩm hàng hóa chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường.

Theo Thanh Nga (Cổng Thông tin-Giao tiếp điện tử tỉnh Vĩnh Phúc)