Theo Sở Công Thương Bắc Ninh, từ năm 2015 đến nay, ngành công nghiệp hỗ trợ đã và đang từng bước phát triển, đóng vai trò quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chủ lực theo hướng hiện đại và bền vững, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đóng góp vào tăng trưởng giá trị xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Đồng thời, góp phần hình thành mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có khoảng 500 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng, chiếm 10,1% số doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; chủ yếu tập trung phục vụ các lĩnh vực chính gồm: Lắp ráp sản phẩm điện tử, cơ khí, thực phẩm, đồ uống công nghệ cao.
Cùng với đó, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Qua đó, thiết lập mạng lưới liên kết chuỗi cung ứng trong tỉnh, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với doanh nghiệp lắp ráp… thúc đẩy liên kết với các tỉnh có lợi thế phát triển công nghiệp.
Tuy nhiên, công nghiệp hỗ trợ vẫn bộc lộ nhiều tồn tại như sản phẩm còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm…
Xác định tầm quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và tăng sức cạnh tranh cho các ngành công nghiệp chủ lực, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là ưu thế hội tụ của các doanh nghiệp lớn về công nghệ như Samsung, Canon, Foxconn, Amkor, Foster, Goertek…
Cụ thể như phê duyệt các Quy hoạch, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ với những mục tiêu cụ thể, chú trọng vào 3 ngành chính là điện - điện tử; cơ khí chế tạo và công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm công nghệ cao. Đồng thời, định hướng thành lập, chuyển một số cụm công nghiệp thành cụm công nghiệp hỗ trợ; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thuộc các ngành trọng điểm trên và phát triển hạ tầng cụm công nghiệp hỗ trợ.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, trên cơ sở định hướng phát triển, năm 2024, tỉnh chỉ đạo ngành chức năng xây dựng Đề án "Hỗ trợ kỹ thuật để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ áp dụng công cụ cải tiến liên tục (Kaizen) trong sản xuất".
Theo đó, Kaizen là công cụ trong quản lý được áp dụng nhằm thúc đẩy hoạt động cải tiến liên tục với sự tham gia của mọi người, nhằm cải thiện không ngừng môi trường làm việc, hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp tham gia Đề án thuộc danh mục sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển theo quy định của Chính phủ và phù hợp với Quyết định số 295/QĐ-UBND ngày 31/8/2021 của UBND tỉnh phê duyệt "Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 - 2025".
Với chương trình này, có 6 doanh nghiệp được hỗ trợ; các doanh nghiệp sẽ được chuyên gia đến từ Nhật Bản tư vấn, hỗ trợ để tuân theo các phương pháp cốt lõi trong Kaizen: Đào tạo đa kỹ năng; khuyến khích và tạo ra động cơ làm việc; xây dựng tinh thần trách nhiệm trong công việc; phân quyền cụ thể… nhằm cải tiến và quản trị chất lượng sản phẩm, tạo ra chuẩn mực mới trong năng suất, hiệu quả công việc. Đồng thời, áp dụng công cụ cải tiến Kaizen giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động, dự kiến tăng từ 2- 5% so với trước khi cải tiến và giảm lãng phí cho doanh nghiệp từ 7- 15% so với trước khi cải tiến.
Từ đó kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước, xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài. Góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp với yêu cầu, định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030 trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao và định hướng đến năm 2045 là thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh.
Kim Duyên