Để huy động sức mạnh toàn dân, gần dân, sát dân, Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) là “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số (CĐS) từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn, tổ, đội. Việc đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân thông qua TCNSCĐ sẽ góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Bắc Ninh.jpg
Tuổi trẻ Bắc Ninh tích cực hỗ trợ chuyển đổi số trong cộng đồng.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 733 Tổ CNSCĐ cấp thôn, khu phố (Tổ trưởng là Bí thư Đoàn thanh niên thôn, khu phố). Nhiệm vụ của Tổ CNSCĐ là thông tin, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về CĐS đến từng hộ gia đình và người dân trong thôn, khu phố; hỗ trợ triển khai, hướng dẫn sử dụng các nền tảng số, công nghệ số, hướng dẫn kỹ năng số đến với người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

Kết quả, từ tháng 1/2024 đến nay, Tổ CNSCĐ cấp thôn, khu phố trên địa bàn toàn tỉnh giới thiệu, tạo và hướng dẫn sử dụng tài khoản dịch vụ công quốc gia được hơn 3.250 tài khoản công dân; hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân lấy 6.320 lượt số thứ tự khi đến giải quyết thủ tục hành chính; tạo 5.760 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt.

Các phần mềm ứng dụng trong công việc được tuyên truyền và triển khai sử dụng hiệu quả và ngày càng phát huy tác dụng cao như phần mềm VSSID, VNeID, DVC Bắc Ninh; phần mềm Egov; dịch vụ công và các ứng dụng trên các thiết bị thông minh... Dịch vụ công trực tuyến toàn trình được cung cấp trên tất cả các lĩnh vực ở cả 2 cấp tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình giao dịch hành chính, nhất là việc nộp hồ sơ trực tuyến.

Ngoài ra, còn đăng ký sử dụng các sàn thương mại điện tử Voso, Postmart... để mua bán, quảng bá, giới thiệu sản phẩm... Một bộ phận không nhỏ người dân và doanh nghiệp đã tiếp cận được các dịch vụ nhà nước cung cấp, cũng như 25 dịch vụ thiết yếu theo Đề án 06 của Chính phủ. Đặc biệt tổ CNSCĐ hỗ trợ ngành Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh trong đợt cao điểm triển khai việc chi trả không dùng tiền mặt cho đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.

 Năm 2022, Tổ công nghệ số cộng đồng của khu phố được thành lập gồm 7 thành viên. Với phương châm “vừa làm, vừa rút kinh nghiệm”, các thành viên trong Tổ tích cực tham gia lớp tập huấn do Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn tổ chức. Tranh thủ các ngày nghỉ, thành viên trong Tổ hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, sử dụng dịch vụ bưu chính công ích khi có thủ tục hành chính cần giải quyết; hướng dẫn người dân cài đặt một số ứng dụng cơ bản như các phần mềm về thanh toán không dùng tiền mặt, tra cứu thủ tục hành chính, dịch vụ công… Đồng thời phối hợp tuyên truyền thực hiện Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ.  Anh Trần Văn Thu, Tổ trưởng Tổ CNSCĐ khu phố Thượng, phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn 

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số ít thành viên trong các tổ chưa nắm rõ và thành thạo việc sử dụng các nền tảng số, dịch vụ số, công nghệ số; cơ sở vật chất để thực hiện CĐS chưa đồng bộ, các công cụ liên quan như điện thoại thông minh, máy tính, đường truyền chưa phổ cập đến 100% người dân.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động trong thời gian tới, Tổ CNSCĐ cần phải thể hiện vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong hoạt động chuyển đổi số của các cấp, các ngành; thực thi có hiệu quả chủ trương “Lấy người dân làm trung tâm” trong CĐS, làm cho người dân thấy công nghệ là thứ dễ dàng, thiết thực. Từ đó lan tỏa, đưa công nghệ số đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội.

Vì thế, các hoạt động của Tổ CNSCĐ cần phải đi vào thực chất, phù hợp với đặc thù của từng địa phương; hướng dẫn cho người dân tiếp cận theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu của người dân; tạo ra giá trị và lợi ích thiết thực trong cuộc sống hằng ngày của người dân.

Phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” của Tổ CNSCĐ đã và đang tạo sự lan tỏa và giúp người dân, doanh nghiệp có thói quen thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, góp phần tích cực trong việc thực hiện kế hoạch CĐS của tỉnh, từng bước xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

 Theo N.Quân (Báo Bắc Ninh)