Những “điểm sáng” trong xây dựng dữ liệu số

Năm qua, tỉnh Bắc Ninh từng bước đầu tư hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan nhà nước của tỉnh; nổi bật trong đó là đưa vào sử dụng Trung tâm dữ liệu tỉnh Bắc Ninh từ ngày 1/9/2023. 

Trung tâm dữ liệu tỉnh đặt tại trụ sở của Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Ninh. Đây là nơi tập trung các thiết bị CNTT và viễn thông chuyên dụng theo mô hình điện toán đám mây có khả năng lưu trữ dữ liệu lớn; có hệ thống bảo mật an toàn dữ liệu, hệ thống phụ trợ, mạng diện rộng, mạng chuyên dùng và toàn bộ hệ thống phần mềm ứng dụng CNTT của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Trung tâm có tổng 51 máy chủ vật lý, trong đó có 3 máy chủ quản trị đám mây và 48 máy chủ dạng phiến. Hiện có 36 hệ thống thông tin của các sở, ngành được triển khai, vận hành trên nền tảng điện toán đám mây ở đây.

Đây là động lực để tỉnh Bắc Ninh đẩy mạnh xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, nền tảng công nghệ dùng chung thống nhất cho toàn tỉnh, triển khai theo mô hình tập trung tại trung tâm dữ liệu tỉnh. 

a33333.jpg

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TU về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh cũng tích cực xây dựng, ban hành các quy chế, quy định quản lý, vận hành các hệ thống thông tin dùng chung nhằm: tăng cường kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu, giảm thiểu tình trạng manh mún, phân mảnh ứng dụng và cát cứ dữ liệu. 

Các hệ thống thông tin dùng chung gồm có: hệ thống quản lý văn bản và điều hành; hệ thống thư điện tử; hệ thống một cửa điện tử tích hợp dịch vụ công trực tuyến (nay được hợp nhất thành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh); ứng dụng phản ánh kiến nghị trên thiết bị di động; hệ thống camera giám sát; hệ thống hội nghị truyền hình; nền tảng tích hợp LGSP… Ngoài ra, một số nền tảng phần mềm được thuê dưới dạng dịch vụ như: mạng xã hội, quản lý tài sản, phần mềm kế toán…

Từ năm 2019, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) và thực hiện kết nối, tích hợp hệ thống thông tin của tỉnh với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành cấp bộ qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia. 

Đặc biệt, Bắc Ninh là 1 trong 5 tỉnh đầu tiên được Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai thí điểm kết nối thành công cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (hiện tại đã kết nối chính thức và đưa vào sử dụng); tích hợp, kết nối cung cấp phương thức thanh toán nghĩa vụ tài chính với các thủ tục hành chính về đất đai tại các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai... góp phần giảm bớt giấy tờ, cải cách hành chính.

Cung cấp dữ liệu mở trong các cơ quan nhà nước Bắc Ninh giai đoạn 2023 - 2025

Trong xây dựng dữ liệu số, tỉnh Bắc Ninh xác định dữ liệu mở (open data) là yếu tố quan trọng. Ngày 21/12/2023, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Kế hoạch số 4573/KH-UBND về cung cấp dữ liệu mở trong các cơ quan nhà nước tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023 - 2025.

Kế hoạch hướng đến mục tiêu 100% các cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở từ năm 2023.

UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đề ra 3 nội dung triển khai lớn, cụ thể:

Thứ nhất, thử nghiệm và tổ chức quản lý, vận hành, đảm bảo an toàn, an ninh đối với Cổng dữ liệu mở tỉnh Bắc Ninh tại địa chỉ: https://data.bacninh.gov.vn/.

anh22.png
Cổng dữ liệu mở tỉnh Bắc Ninh

Thứ hai, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin khi dữ liệu được quản lý, lưu trữ, xử lý, truyền tải trên hệ thống theo quy định tại Điều 28, Nghị định 47/2020/NĐ-CP.

Thứ ba, thực hiện các giải pháp khuyến khích cá nhân, tổ chức cung cấp và khai thác dữ liệu mở theo quy định tại Khoản 4, Điều 19, Nghị định 47/2020/NĐ-CP: Tiếp nhận ý kiến phản hồi của tổ chức, cá nhân để xác định mức độ ưu tiên và thực hiện công bố dữ liệu mở phù hợp với nhu cầu; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong xã hội, cộng đồng thực hiện các hoạt động xây dựng, đóng góp để mở rộng dữ liệu mở.

Đại diện UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, việc cung cấp dữ liệu mở trong các cơ quan nhà nước Bắc Ninh trong giai đoạn 2023 - 2025 giúp tỉnh có thêm công cụ để thu thập dữ liệu từ cộng đồng, làm phong phú kho dữ liệu mở của tỉnh; người dân dễ dàng truy cập kho dữ liệu mở để phục vụ cho đời sống; đồng thời góp phần xây dựng chính quyền số, xã hội số.

Thái Bảo