Liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, triển khai các chương trình nông nghiệp trọng tâm, phát triển các mô hình nông lâm nghiệp có hiệu quả kinh tế cao. Đây là những giải pháp chiến lược được cấp ủy chính quyền huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang quan tâm thực hiện nhằm hướng đến nền nông nghiệp xanh sạch, hiện đại, phát triển bền vững.

 

anh bai bac quang.jpg
Mô hình liên kết dưa chuột giúp thay đổi tư duy sản xuất và nâng cao thu nhập cho bà con nông dân huyện Bắc Quang

Vụ Xuân năm 2024, 130 hộ dân trên địa bàn 5 xã Quang Minh, Vĩnh Phúc, Liên Hiệp, Đồng Tâm, Kim Ngọc đã chuyển đổi 21ha không chủ động về nước tưới sang trồng cây dưa chuột. Dự án này đã cho sản lượng 35 tấn quả, lợi nhuận sau đầu tư đạt gần 90 triệu đồng/ha. Điều đặc biệt ở đây, thông qua liên kết nông nghiệp sau chuỗi giá trị, toàn bộ dưa chuột của người dân được một HTX của tỉnh Vĩnh Phúc thu mua với giá trung bình 6000 đồng/kg. Từ kết quả trên, có 2 xã Vĩnh Phúc và Quang Minh tiếp tục duy trì 4,8ha dưa chuột trong sản xuất vụ mùa. Cho đến vụ Đông, mô hình này đã được triển khai nhân rộng ra toàn huyện theo hình thức liên kết bao tiêu sản phẩm giữa người dân với HTX.

Xã Quang Minh vốn là trọng điểm sản xuất nông nghiệp của huyện Bắc Quang, việc đa dạng cây trồng luôn được chính quyền địa phương quan tâm, giúp người dân đưa vào sản xuất. Ngoài cây dưa chuột trồng liên kết, cây ngô vụ Đông vẫn được coi là cây trồng chính, chính quyền luôn chú trọng đưa khoa học kỹ thuật để người dân tăng năng suất, tăng sản lượng và đặc biệt là tạo ra những sản phẩm an toàn, bảo vệ môi trường.

Tại xã Bằng Hành, việc đưa cây dưa chuột vào sản xuất vụ Đông là bước đột phá của chính quyền xã trong vụ Đông năm nay. Ngoài việc tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp với khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường, các cấp ngành trong xã còn tăng cường vận động người dân áp dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất theo quy trình để đảm bảo sức khỏe cho chính người sản xuất lẫn người tiêu dùng.

Nếu như mô hình liên kết trồng cây dưa chuột ở xã Bằng Hành hay mô hình trồng cây ngô bầu ở xã Quảng Minh giúp cho diện tích đất ruộng không bị bỏ hoang lãng phí, xen canh tăng vụ, sản xuất tuần hoàn liên tục phủ xanh những cánh đồng thì mô hình trồng cây dưa lưới ở thị trấn Việt Quang điển hình cho sản xuất nông nghiệp chất lượng cao của huyện trong định hướng phát triển nông nghiệp xanh.

 Với diện tích 1200m2, anh Nguyễn Trung Kiên (thị trấn Việt Quang) duy trì và đưa cây dưa vào trồng. Những cây dưa lưới được áp dụng chăm sóc cắt tỉa và áp dụng công nghệ trong tưới nước bón phân, đảm bảo ánh sáng để cho năng suất chất lượng sản phẩm đạt tốt nhất. Trung bình anh Kiên sản xuất 3 vụ dưa/năm, năng suất đạt 4 tấn quả/vụ, giá trị ước đạt 100 triệu đồng. Anh Kiên dự định sẽ tăng vụ sản xuất cây dưa lên 5 vụ/năm.

 Thực tế cho thấy, những tín hiệu khả quan trong sản xuất nông nghiệp sạch của huyện Bắc Quang trên cơ sở phát huy lợi thế về điều kiện khí hậu thổ nhưỡng, cây con có thế mạnh đặc trưng, phù hợp theo thị trường đã giúp cho nông nghiệp của huyện phát triển bền vững. Đến nay, toàn huyện có 40 sản phẩm được công nhận 0COP 3 sao, 4 sao cấp tỉnh, trong đó nhiều sản phẩm thuộc nhóm hàng thực phẩm đồ uống, thảo dược như cam, chè, thanh long ruột đỏ, gạo ủ muối, trà tiêu thực. Qua đó tạo đột phá kinh doanh các sản phẩm truyền thống ở nông thôn, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững.

 Huyện Bắc Quang đang thực hiện 25 chuỗi liên kết sản xuất nhằm mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao trình độ sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người dân thông qua các mô hình phát triển nông nghiệp trọng tâm. Trên địa bàn huyện có gần 300 mô hình nông lâm nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao, trở thành điểm sáng trong bức tranh nông nghiệp của tỉnh. Trong định hướng phát triển, huyện xác định sản xuất nông nghiệp xanh không chỉ đảm bảo tạo ra các sản phẩm an toàn thân thiện với môi trường trong bối cảnh ngày càng chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp xanh còn giúp phủ xanh diện tích đất, gia tăng giá trị trên đơn vị canh tác.