- Chiều 29/6, TAND quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) đã đưa vụ án cắt nhầm thận tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ ra xét xử.
Theo trình bày của luật sư nguyên đơn, chị Hứa Cẩm Tú (SN: 1975, ngụ huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) đến BVĐK TP Cần Thơ khám bệnh. Kết quả chụp CT cho thấy thận phải tốt, thận trái ứ nước độ III – IV, có sạn buộc phải mổ.
Bệnh viện ĐK TP Cần Thơ nơi xảy ra vụ việc |
Trong quá trình mổ xảy ra tai biến nên chuyển sang mổ hở và chị Tú bị cắt hết 2 quả thận.
Đến khi bị biến chứng phù nề, sức khỏe xấu và đi siêu âm kiểm tra thì chị Tú phát hiện bác sĩ đã cắt bỏ 2 quả thận.
Chị Tú phản ánh thì được BV không thừa nhận sai mà trả lời là do bất khả kháng, đồng thời hứa sẽ hỗ trợ chạy thận miễn phí suốt đời và hoàn trả viện phí.
Sau đó, chị Tú được chuyển ra BV Trung ương Huế để tiếp tục điều trị và phẫu thuật ghép thận. Thời gian này, chị Tú được BV Đa khoa TP Cần Thơ hỗ trợ 6 triệu đồng. Sau đó, mức hỗ trợ giảm xuống còn 3 triệu đồng và đến tháng 5/2013, BV thông báo không trợ cấp tiền cho chị Tú nữa.
Chị Tú đã được ghép một quả thận nhưng sức khỏe vẫn suy giảm 81% theo kết quả giám định pháp y của Viện Pháp y quốc gia.
Theo biên bản họp hội đồng chuyên môn, các chuyên gia xác định: Trên phim CT - Scan khi nhìn đã thấy hình ảnh thận móng ngựa ngay. Nhưng do không chẩn đoán được thận hình móng ngựa nên phẫu thuật viên cắt lấy hết thận. Trường hợp này các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và phẫu thuật viên đều không nhận định được thận hình móng ngựa trước và trong lúc mổ nên dẫn đến sai lầm trong phẫu thuật. Đây là lỗi nhận định của kỹ thuật viên.
Cho rằng Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ không thừa nhận sai sót, không đồng ý bồi thường thiệt hại nên chị Tú khởi kiện ra tòa án yêu cầu bồi thường thiệt hại một lần là hơn 707 triệu đồng và bồi thường thiệt hại hàng tháng số tiền hơn 7,6 triệu đồng.
Còn BV đa khoa TP Cần thơ cho rằng, trường hợp chị Tú không phải sai sót chuyên môn mà là ca tai biến bất khả kháng.
Tại phiên tòa, đại diện pháp lý cho BVĐK TP Cần Thơ là luật sư Nguyễn Trường Thành (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) cho rằng các đề nghị của bà Tú là không có căn cứ pháp lý về mặt y học. Luật sư Thành cũng cho rằng, trong bản cam kết về mổ của bệnh nhân có cam kết rất rõ là loại trừ trách nhiệm cho bác sĩ trong tai biến y khoa.
Chính vì vậy về mặt y học không thể buộc BVĐK TP Cần Thơ bồi thường cho bà Tú, do đây là tai biến y khoa.
Luật sư Trường Thành (phải) đại diện pháp lý cho bệnh viện và chồng bà Tú (trái) |
“Trong vụ án chồng bà Tú không khởi kiện nên những khoản của ông ấy phải loại ra. Toà án thụ lý, xét xử theo đơn khởi kiện của bà Tú, chồng bà ấy là người đại diện theo uỷ quyền nên không có quyền gì để đòi các khoản liên quan đến ông ấy”, luật sư Thành nói và cho rằng, luật hôn nhân quy định rất rõ vợ chồng phải có nghĩa vụ chăm sóc cho nhau.
Về khoản tiền đòi bồi thường hàng tháng là hơn 7,6 triệu đồng, luật sư Thành khẳng định đây là yêu cầu vô lý.
“Hiện tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đã, đang và còn tiếp tục điều trị cho bệnh nhân Tú. Mỗi lần bà Tú đến thì BV vẫn chăm sóc…
Đối với vụ tai biến y khoa này thì BVĐK TP Cần Thơ, Bộ Y tế, BV TƯ Huế đã xử lý một cách tuyệt vời”, luật sư Thành nói và dẫn chứng vụ tai biến này BV ĐK TP Cần Thơ đã bỏ ra hơn 500 triệu đồng để hỗ trợ trực tiếp cho gia đình bà Tú.
Ngoài ra, BV TƯ Huế đã hỗ trợ 480 triệu; Bộ Y tế thông qua hệ thống bảo hiểm hỗ trợ 480 triệu, tổng số tiền là hơn 1,3 tỷ đồng.
“Bây giờ mà bà Tú còn đòi bồi thường 707 triệu và yêu cầu thêm mỗi tháng 7,6 triệu nữa thì tôi thấy rất vô lý. Trong vụ việc này chúng tôi yêu cầu HĐXX bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Tuy nhiên tập thể các bác sĩ, nhân viên của BVĐK TP Cần Thơ tự nguyện đóng góp hỗ trợ hỗ trợ gia đình bà Tú 50 triệu đồng để làm vốn. Đây là tiền các bác sĩ, nhân viên của bệnh viện tự nguyện đóng góp chứ không phải lấy từ ngân sách nhà nước. Ngoài ra, sau này bệnh viện có thể kêu gọi các mạnh thường hỗ trợ tiền cho bà Tú”, luật sư Thành trình bày tại toà.
Sau nhiều giờ xét xử, HĐXX đã chấp nhận 1 phần yêu cầu khởi kiện của bà Tú, tuyên buộc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ phải bồi thường cho bà Tú 1 lần là hơn 302 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi tháng phải bồi thường 5,8 triệu đồng cho tới hết đời.
Sau phiên toà, chồng bà Tú cho biết chấp nhận bản án này, còn đại diện BVĐK TP Cần Thơ khẳng định sẽ kháng cáo.
Hà Nội: Hai bệnh nhân tử vong sau khi gây mê tại bệnh viện
Sau khi gây mê 5 phút để cắt amidan, bệnh nhân có dấu hiệu ngừng tim, lập tức được chuyển sang BV Bạch Mai cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Bị “người lạ” đánh bầm dập khi gây náo loạn bệnh viện
Trong khi người mẹ yếu đi, còn xe cấp cứu không có bình thở oxy, anh Nguyễn đã vào phòng cấp cứu to tiếng với bác sĩ.
Bệnh viện bị tố tắc trách khiến song thai tử vong
Người nhà sản phụ Nguyễn Thị Trúc (SN 1978) đã gửi đơn đến BV Đa Khoa số 10 và Giám đốc Sở Y tế Hậu Giang yêu cầu làm rõ nguyên nhân song thai tử vong...
Vụ chặn xe cấp cứu: 'Bé tử vong trước khi rời bệnh viện'
Nhân viên y tế trên xe cứu thương Nghệ An bị bảo vệ ngăn cản không cho rời BV Nhi Trung ương khẳng định cháu D. tử vong trước khi rời bệnh viện.
Thai nhi chết ngạt, bệnh viện nhận sai sót nghiêm trọng
Liên quan sự việc một thai nhi bị chết ngạt, lãnh đạo BV Giao thông vận tải Vinh (Cục Y tế GTVT) đã thừa nhận sai sót nghiêm trọng do bác sĩ trực tiên lượng kém.
Hoài Thanh