Vĩnh Phúc có thể coi là trung tâm của công nghiệp xe máy trên toàn quốc, với sự có mặt của 2 doanh nghiệp FDI lớn là Honda Việt Nam (HVN) và Piaggio Việt Nam (PVN), đặc biệt là Honda với khoảng 80% thị phần.

Mặc dù theo đánh giá chung, thị trường xe máy đang bắt đầu bão hòa và thậm chí có phần đi xuống, tuy nhiên do dung lượng lớn, dư địa còn nhiều nên nhu cầu tìm kiếm, mở rộng, phát triển chuỗi cung ứng vẫn được các doanh nghiệp đầu chuỗi ưu tiên trong thời gian tới. 

Honda Việt Nam đầu tư sản xuất xe máy vào Vĩnh Phúc từ 1996, năm 2010 đầu tư thêm dây chuyền sản xuất bánh răng, năm 2013 là trung tâm phụ tùng, năm 2014 là phân xưởng piston với công suất lớn nhất của Honda toàn cầu. Việc củng cố năng lực nội tại này làm HVN tăng cường sản xuất, đáp ứng nhu cầu trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa (đạt 98%) và tăng sản lượng xuất khẩu.

Năm 2020, HVN đạt 2,6 triệu xe (tăng 0,5% so với 2019), chiếm 79,7% thị trường toàn quốc (3,2 triệu xe). Trong đó, xuất khẩu đạt 181.600 xe, kim ngạch xuất khẩu đạt 386,7 triệu USD, bao gồm cả xe nguyên chiếc và phụ tùng (tăng 5,1 % so với 2019). Năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, HVN xuất khẩu giảm khoảng 2,2% so với năm 2020.

Tỷ lệ nội địa hoá của HVN từ lâu đã đạt trên 90%. Các sản phẩm linh kiện cho xe máy hầu hết đã được sản xuất và cung ứng tại Việt Nam, chỉ còn một số nguyên liệu đặc thù và linh kiện động cơ mang tính chất bảo mật công nghệ hiện tại HVN vẫn đang phải nhập khẩu.

Sản xuất xe máy Honda

Hiện nay, toàn bộ nhóm linh kiện cho Honda Việt Nam đều đã được cung ứng tại Việt Nam: 100% linh kiện nhựa, cao su; 90% linh kiện kim loại; 80% linh kiện điện tử được cung ứng từ các Công ty sản xuất và khoảng 20% linh kiện điện tử được mua thông qua các Công ty thương mại.

Riêng linh kiện động cơ có tính bảo mật công nghệ của HVN vẫn phải nhập khẩu (khoảng 10% cụm động cơ). Các chi tiết khác của cụm động cơ (70%) hiện cũng đã được sản xuất và cung ứng trong nước.

Do Việt Nam không sản xuất được nên phần lớn nguyên vật liệu vẫn đang phải nhập khẩu (chiếm tới 67%), trong nước chỉ cung ứng được khoảng 37%, đều qua Công ty thương mại. HVN hiện có 240 NCC, trong đó có 105 Công ty Việt Nam (chiếm 43,7%) và khoảng 13% tại Vĩnh Phúc.

Xe máy Honda 

 

Các nhà cung cấp điển hình tại Vĩnh Phúc là VPIC 1, Cosmos, Lâm Viễn... Do thị trường đã bão hòa, 3 năm qua, HVN không phát triển NCC mới, chỉ bổ sung thêm 2 DN nội địa cung cấp khuôn, dụng cụ, đồ gá. 

Trong các nhà cung cấp tại Vĩnh Phúc, nhiều nhất là 12 Công ty cung cấp máy móc, thiết bị sản xuất (chủ yếu là thương mại, chiếm 37,5%); khuôn, dụng cụ, đồ gá chiếm khoảng 34,3%; còn lại là linh kiện kim loại (6,3%), linh kiện nhự cao su (3,1%) và linh kiện động cơ (18,8%). Ngay cả khu vực linh kiện kim loại, dù đã có 2 NCC rất lớn là VPIC1 và Cosmos, tỉ trọng còn lại có thể cung ứng cho HVN xe máy vẫn rất nhiều, nếu tỉnh có thể thu hút đầu tư được các Công ty DDI.

Như vậy, chuỗi cung ứng của HVN đã hình thành khá đầy đủ tại Vĩnh Phúc, cả về lĩnh vực linh kiện và các lớp cung ứng. Trong đó, các Công ty Việt Nam đã có mặt ở tất cả các lĩnh vực ngành và các lớp cung ứng, tuy vậy số lượng DN nội địa tham gia chưa nhiều. 

Kim Duyên