Rạng sáng 24/5, Trung tâm thông tin chỉ huy Công an TP Hà Nội nhận được tin báo cháy tại số nhà 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 phố Trung Kính (quận Cầu Giấy).

Ngôi nhà xảy ra hỏa hoạn được xây dựng trên mảnh đất rộng hơn 200m2, gồm 2 tầng và 1 tum. Trong đó, sân và tầng 1 được dùng làm cửa hàng sửa chữa xe điện, tầng 2 cho thuê trọ.

Khi xảy ra cháy, người dân chứng kiến sự việc cho biết, họ nghe thấy 3 tiếng nổ phát ra từ tầng 1 của ngôi nhà rồi lửa bùng lên dữ dội. Do lửa cháy to ở tầng 1 nên nhiều người bị mắc kẹt, không thể thoát ra bên ngoài.

hientruong11.jpg
Khung cảnh tan hoang sau vụ cháy tại Trung Kính

Sau khi triển khai chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, lực lượng chức năng cùng người dân đã đưa được 7 người mắc kẹt ra ngoài. Vụ cháy đã làm 14 người tử vong.

Trước vụ cháy này 3 tháng, khoảng 3h47 ngày 17/2, hỏa hoạn đã xảy ra tại căn nhà nằm sâu trong hẻm 623 đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 15, quận 10, TP.HCM). 7 người bên trong căn nhà được hướng dẫn thoát khỏi đám cháy an toàn.

Tuy nhiên, lửa đã bốc lên phần gác nhà số 623/20/19 và nhanh chóng lan sang nhà liền kề số 623/20/21.

Sau hơn 30 phút triển khai cứu hỏa, lực lượng PCCC&CNCH đã khống chế đám cháy, ngăn lan rộng sang nhà dân liền kề.

Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP.HCM, ước tính tổng diện tích cháy là khoảng 101m2 (gồm nhà dân 623/20/21- 50m2 và tầng 1 nhà dân số 623/20/19- 51m2). Vụ hỏa hoạn đã khiến 4 người sống cùng một nhà thiệt mạng.

Cũng xảy ra vào thời điểm rạng sáng, vụ cháy chung cư mini số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội) vào ngày 13/9/2023 đã gây hậu quả nghiêm trọng làm 56 người tử vong, 37 người bị thương.

Chung cư mini này được chủ đầu tư là ông Nghiêm Quang Minh (trú Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) xây thành 9 tầng.

Công an TP Hà Nội đã khởi tố bị can đối với ông Minh về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Sau đó, cơ quan công an đã khởi tố thêm 6 đối tượng để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Nâng cao cảnh giác 

Đại diện Hiệp hội PCCC&CNCH Việt Nam cho biết, những vụ cháy vào thời điểm ban đêm đến rạng sáng rất nguy hiểm bởi người dân đang trong giấc ngủ say, khi phát hiện ra cháy thì đã muộn. Phần lớn các vụ cháy có nguyên nhân từ chập thiết bị điện.

"Các thiết bị điện đã cũ nếu bật từ tối đến đêm sẽ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra hỏa hoạn. Máy tính xách tay, điện thoại... mà người dân sạc qua đêm nhưng sử dụng các loại sạc, dây sạc kém chất lượng cũng có thể sinh ra chập, cháy", đại diện Hiệp hội PCCC&CNCH Việt Nam nhận định.

W-HIEU5974.jpg
Công an Hà Nội luyện tập phương án thoát nạn cho người dân chung cư HH Linh Đàm.

Vị đại diện Hiệp hội PCCC đưa ra khuyến cáo, người dân cần thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị điện trong gia đình để đảm bảo các thiết bị này hoạt động tốt; chủ động lắp các đầu báo cháy, báo khói để sớm phát hiện ra sự cố hỏa hoạn; tự trang bị thiết bị chữa cháy ban đầu để có thể xử lý đám cháy ngay khi phát sinh.

Đồng thời, người dân nên có thói quen kiểm tra, tắt các thiết bị điện không cần thiết trước khi đi ngủ để hạn chế các sự cố chập, cháy không đáng có.

Giữ bình tĩnh và hành động ngay lập tức

Khi có hoả hoạn xảy ra, hãy giữ bình tĩnh và hành động ngay lập tức. Hoảng loạn sẽ khiến bạn không biết phải bắt đầu làm gì và đưa ra quyết định như thế nào trong thời khắc nguy hiểm này.

Luôn nhớ rằng hãy giữ cho cơ thể bạn không phải hít quá nhiều khói. Ngoài ra, bạn nên tự rèn luyện cách sử dụng bình chữa cháy để dập lửa tức thì.

Nếu có người đang ở trong nhà cùng bạn, hãy hét thật to để báo động hoặc đánh thức họ nếu họ đang ngủ hoặc đang ở phòng khác.

Sau đó bạn có thể thực hiện một số kỹ năng khẩn cấp như: Che mũi và miệng khi tìm lối thoát nạn; cúi thấp người xuống khi di chuyển để hít ít khói hơn; đóng mọi cánh cửa phía sau để ngăn lửa lan nhanh; nằm và lăn khi quần áo bị bắt lửa...