Trước câu hỏi về những bài luận đặc biệt nộp vào Harvard trên trang hỏi đáp Quora, bài luận về chiếc áo ngực của Tô Mỹ Ngọc nhận được sự quan tâm của nhiều thành viên khác.
Tô Mỹ Ngọc sinh ra ở Long An (Việt Nam) và lớn lên ở Atlanta (tiểu bang Georgia - Mỹ). Mỹ Ngọc đã trúng tuyển ngành Tâm lý học của ĐH Harvard.
Dưới đây là nguyên văn những chia sẻ của Tô Mỹ Ngọc.
Tô Mỹ Ngọc trúng tuyển vào ngành Tâm lý học |
Tôi nộp đơn vào Harvard như một trò đùa. Đó là ngôi trường cuối cùng tôi đưa vào danh sách của mình. Tôi làm thế vì hồ sơ vào Harvard của tôi rất đơn giản. Vì không nghĩ rằng mình sẽ được nhận, nên tôi không ngại cố gắng gây ấn tượng với bất cứ ai và chỉ viết về những điều mình tâm đắc. Trong trường hợp này, đó là chiếc áo ngực và những vì sao. Trong bức thư trúng tuyển chính thức của tôi, cán bộ tuyển sinh đã viết tay một câu: “Tôi thực sự rất thích đọc bài luận về chiếc áo ngực của bạn!”
Cảm hứng cho bài luận này thực ra là tới từ một câu hỏi phụ cho bộ hồ sơ vào UChicago. Họ yêu cầu một bài luận dài 500 chữ bàn về một bài viết thời trang quan trọng với bạn. Tôi đã “tái chế” nó cho bài luận vào Harvard.
Dưới đây là nguyên văn bài luận ấy.
Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên tôi mặc áo ngực. Lúc đó tôi đang học lớp 5. Khi vừa đi học về, mẹ đưa cho tôi một miếng vải màu trắng để mặc bên trong áo sơ mi. “Con đã lớn rồi” – bà nói. “Con cần phải mặc cái này”. Từ khoảnh khắc đó, cuộc sống của tôi đã mãi mãi thay đổi.
Cũng trong năm đó, tôi được dạy rằng một ngày nào đó Mặt Trời sẽ biến mất, và tôi, một mặt cảm thấy áp lực của cái thiết bị kỳ cục bên trong chiếc áo sơ mi của mình, nhận ra rằng tuổi thơ của tôi cuối cùng cũng sẽ tiêu tan giống như Mặt Trời.
Chiếc áo ngực đầu tiên của tôi mở đường cho cái thứ hai, rồi thứ ba, và tiếp đó là cái thứ tư – cái mà tôi phải dùng tới cỡ của người lớn giống như mẹ.
Tô Mỹ Ngọc. Ảnh: FBNV |
Mỗi lần có áo ngực mới, tôi đều bỏ rơi chiếc áo cũ. Đâu đó trong góc tủ quần áo của tôi, có một đống áo ngực bị bỏ rơi, những chiếc dây áo nhỏ nhắn đã sờn từng mới tinh khi tôi còn đang dùng, nhưng sau đó chúng trở thành những tàn tích bị lãng quên. Chúng nằm đối diện với một góc của vũ trụ và thu hút bụi bặm giống như những ngôi sao chết – không có cuộc sống, không còn ánh sáng, không còn sức sống.
Với mỗi chiếc áo ngực mới, tôi đều cảm thấy những thay đổi tàn nhẫn – thứ đẩy tôi xuống dưới con đường mà tôi không bao giờ trở lại. Những chiếc áo ngực sau này không còn đơn giản như chiếc đầu tiên. Chúng được thiết kế nhiều nếp gấp và nhiều đường khâu viền hơn. Các mẫu mã được thiết kế để chống lại sự phức tạp của những trách nhiệm ngày càng lớn của tôi.
Đôi khi, khi tôi thấy chiếc áo quá nhỏ so với cơ thể mình, tôi không thể hoặc không sẵn sàng mua một chiếc mới, bởi vì những ý nghĩa đằng sau sự chuyển đổi này. Nếu mỗi chiếc áo ngực mới đồng nghĩa với cái chết của một vì sao khác, thì thế giới của người lớn với tôi chẳng có gì khác ngoài bóng tối. Tôi đã cố gắng rất nhiều để không phải giết chết bất cứ vì sao nào, nhưng sự kháng cự của tôi là không đủ. Tôi thấy cơ thể mình cứ tăng thêm lớp này đến lớp khác sau mỗi lần thay áo ngực. Với suy nghĩ này, tôi tự chuẩn bị cho mình phần kết, cho khoảnh khắc mà toàn bộ vũ trụ của tôi sẽ bị nhấn chìm bởi chiếc hố đen trong tủ quần áo của tôi.
Nhưng tôi đã được cứu thoát.
Tôi học được rằng cuộc sống này không diễn ra theo tuyến tính, mà theo chu kỳ: Những ngôi sao mới có thể được hình thành từ tro tàn của những ngôi sao cũ, và bóng tối của cái chết được làm đầy bởi ánh sáng của sự sinh sôi. Do đó, thứ được tạo ra chỉ là sự diễn giải lại quá khứ theo một hình thức phù hợp với hiện tại. Với việc mặc chiếc áo ngực mới, tôi không ném bỏ cái cũ mà định hướng lại chính mình để thích ứng với những lần thay đổi.
Thay đổi chỉ là thuận theo tự nhiên – đống áo ngực sẽ chỉ ngày một lớn hơn. Mặc dù thật khó để chấp nhận sự tồn tại của chiếc áo ngực trong cuộc sống của mình, nhưng tôi nhận ra rằng tôi không thể sống mà không có nó, bởi vì khi chúng ta càng già hơn, mọi thứ càng có xu hướng “gục” xuống một cách dễ dàng hơn, và chẳng có gì đáng tin cậy hơn một chiếc áo ngực cho chúng ta một sự hỗ trợ cần thiết bên trong để giữ cho cuộc sống vững chắc hơn.
- Nguyễn Thảo (Theo Quora)