Ý tưởng cho bài dự thi viết thư UPU lần thứ 49 năm 2020 không bao giờ thiếu. Hãy cùng tham khảo những bài mẫu viết thư UPU tiêu biểu về chủ đề biển đảo Việt Nam thời công nghệ mạng di động vươn xa. Nếu cần chúng ta có thể xem lại hướng dẫn thể lệ và quy định viết thư UPU 2020 ở đây.

Năm nay, Cuộc thi viết thư UPU lần thứ 49 năm 2020 có đề bài khá thú vị, đó là: "Em hãy viết thông điệp gửi một người lớn về thế giới chúng ta đang sống" (Tiếng Anh: Write a message to an adult about the world we live in). Với đề bài năm nay, dự báo sẽ có không ít bức thư hay về thời đại của công nghệ đồng thời có thể đề cập đến những câu chuyện lớn của đất nước.

Một điều các bạn học sinh cần lưu ý rằng bài mẫu chỉ để tham khảo và lấy ý tưởng cũng như cảm hứng, và bài mẫu khi đã đăng trên báo và mạng xã hội thì không thể bê nguyên đi làm bài dự thi. Điều quan trọng làm nên bức thư hay vẫn là dấu ấn cá nhân của mỗi bạn học sinh.

Về nội dung bức thư UPU, năm ngoái nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn từng đưa ra lời khuyên: "Tra Google để tìm hiểu kỹ về chủ đề của kỳ thi là một lợi thế nếu các em có thể lấy ra nhiều tư liệu quý; nhưng sau đó phải biến những kiến thức mình tra cứu thành ý tưởng của mình bằng sự tinh tế và thông minh rất riêng..."

Trong khi đó, nhà văn Phong Điệp truyền thêm cảm hứng sáng tạo cho các bạn học sinh khi viết: "Điều mà các thành viên Ban Giám khảo trông chờ nhất ở mỗi bức thư chính là có cơ hội được lắng nghe các em cất lên tiếng nói của mình, bày tỏ những suy nghĩ về các vấn đề của cuộc sống cũng như tâm tư, khát vọng của cá nhân".

e1-bai-mau-viet-thu-upu-lan-thu-49-nam-2020-ve-bien-dao-bai-mau-viet-thu-upu-2020-gui-chien-sy-ngoai-dao.jpg

Hãy cùng tham khảo những bài mẫu viết thư UPU 2020 tiêu biểu về chủ đề biển đảo Việt Nam thời công nghệ mạng di động vươn xa.

Bài mẫu viết thư UPU 2020 về biển đảo

Kính gửi chiến sỹ đồn biên phòng đảo Phú Quý

Vậy là cháu vừa kết thúc chuyến du lịch vô cùng thú vị trên đảo Phú Quý. Được gặp gỡ và trải nghiệm cuộc sống trên đảo đúng như là một món quà quý dành cho cháu.

Gặp chú và những người dân nơi đây, cháu được nghe rất nhiều câu chuyện và biết thêm được rất nhiều điều. Nhưng điều mà cháu thấy hứng thú đặc biệt vẫn là cuộc sống trên đảo nay đã gần hơn với đất liền nhờ sóng di động công nghệ 3G, 4G.

Thế nên mới có câu chuyện vui là các chiến sỹ trên đảo Phú Quý thích xem bóng đá và đội tuyển Việt Nam thi đấu nhưng đến khi truyền hình chưa mua được bản quyền ASIAD 2018 thì cũng phải thử lên mạng kiếm các kênh như "Xôi lạc TV"...

Ông chủ homestay mà nhà cháu nghỉ lại cũng kể chuyện xem bóng đá lần đấy y như vậy. Trong khi đó hàng ngày ông đã có thể cập nhật hình ảnh và thông tin đảo trên fanpage Facebook homestay mà ông lập ra, qua đó thường xuyên kết nối với những lượt khách đã đến và thu hút thêm nhiều lượt khách đến đảo.

Những ngư dân mà nhà cháu gặp thì chia sẻ rằng nhờ có sóng di động phủ ra ngoài khơi xa nên trong hành trình đi biển thì người ở nhà cũng có phần yên tâm hơn vì liên lạc được một chút.

Và như cháu được biết thì rất nhiều đảo lớn nhỏ trên đất nước ta cũng đang có cuộc sống phát triển tương tự với sóng di động công nghệ mới nhất phủ ra được đến nơi. Điều này thật đáng vui mừng.

Nhưng đây cũng là lúc cháu nghĩ đến các chiến sỹ và người dân trên quần đảo Trường Sa, nơi tiền tiêu "đầu sóng ngọn gió" mà cháu chưa được đến bao giờ. Ngoài khoảng cách đường biển từ đất liền đi ra gấp 4-5 lần so với Phú Quý thì Trường Sa chắc hẳn vẫn còn "khoảng cách" lớn về thông tin liên lạc.

Trong câu chuyện mà nhà báo Trung Kiên báo Công luận kể lại chuyến đi mới đây, nữ phóng viên Thùy Châu báo Tuyên Quang vì muốn tác phẩm của mình “nóng hổi”, kịp ra số báo in nên chị đã rất chịu khó đợi đến nửa đêm khi ít người dùng điện thoại, mạng khoẻ hơn để leo lên boong tàu ngồi “canh sóng”.

Nhà báo Thùy Châu còn ví von là: “Việc đi chao sóng trên tàu để gửi bài giống như người đi câu cá. Ấy vậy mà đêm nào may mắn tìm đúng điểm “sóng rơi” thì cũng chỉ gửi được vài tấm ảnh về tòa soạn là tôi mừng rơi nước mắt. Có những hôm thức trắng đêm nhưng vẫn không tìm được sóng”.

Đọc được những câu chuyện như vậy thì cháu mới hình dung ra sóng di động khó khăn như thế nào ở Trường Sa. Và trong bức thư này cháu chỉ muốn chia sẻ hy vọng rằng sau này bằng những cách nào đó mà những cánh sóng kết nối Trường Sa với đất liền sẽ thuận lợi hơn.

Giờ thư cũng đã dài, cháu chúc chú và các chiến sỹ trên các vùng biển đảo luôn mạnh khỏe và an tâm đứng nơi "đầu sóng ngọn gió" bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.