Trong thời gian gần đây hoạt động của mạng lưới y tế cả công và tư đang có nhiều vấn đề khiến dư luận xã hội hết sức quan tâm. Không ít ý kiến đã đưa ra những giải pháp rất có ý nghĩa trong bối cảnh còn nhiều tồn tại, vướng mắc hiện nay. 

{keywords}
Bộ Công an đang điều tra vi phạm trong việc thực hiện đề án lắp đặt thiết bị y tế tại BV Bạch Mai theo hình thức xã hội hóa.

Hiện nay trong hệ thống bệnh viện công lập đang đẩy mạnh xã hội hóa, từ đó nhiều thành phần kinh tế đang tham gia đầu tư, trên thực tế nó đã đem lại hai mặt tích cực và tiêu cực, cụ thể:

Về mặt tích cực, điều đầu tiên dễ nhận thấy là khi bệnh viện mở ra các dịch vụ như mổ tự nguyện, phòng điều trị tự nguyện, khám tự nguyện... đời sống cán bộ nhân viên được cải thiện hơn trước. Người bệnh nhất là những người có thu nhập cao có thêm sự lựa chọn, phần lớn họ đều hài lòng vì nếu chọn dịch vụ tự nguyện thì chất lượng phục vụ sẽ tốt hơn. Nhiều loại máy, thiết bị y tế có giá trị chẩn đoán cao (ví dụ hệ thống chụp MRI, chụp CT đa dãy) được đầu tư dưới dạng liên doanh.

Tuy nhiên, xã hội hóa y tế mà làm như ở hệ thống bệnh viện nhà nước hiện nay là mô hình mà thực chất trong đó hệ thống y tế tư nhân nằm ngay trong bệnh viện công. Nhà nước đưa ra hệ thống này để tư nhân đầu tư dưới hình thức liên danh liên kết. Hoặc bệnh viện huy động vốn từ tư nhân, nhờ đó bệnh viện có máy móc thiết bị. Hình thức này không nên kéo dài vì sẽ để lại nhiều mặt trái và hậu quả xấu.

Cụ thể, đầu tiên là giá dịch vụ tự nguyện khá cao, làm tăng gánh nặng tài chính với người bệnh. Theo quy định của Bộ Y tế, để hình thành lên giá dịch vụ y tế gồm bảy yếu tố bao gồm thuốc, vật tư tiêu hao, duy tu sửa chữa nhỏ, mua sắm tài sản cố định, khấu hao tài sản cố định, lương nhân viên y tế và đào tạo nghiên cứu khoa học.

Ba yếu tố đầu tiên do người bệnh chi trả còn các yếu tố còn lại do ngân sách Nhà nước bao cấp.  Tuy nhiên, trong mô hình xã hội hóa hiện nay thì đang có sự lẫn lộn vì tất cả những người đang làm xã hội hóa đều là người của bệnh viện và Nhà nước đã trả lương. Các tài sản để sử dụng vào việc XHH như đất, nhà... đều của bệnh viện và nó được hình thành bởi ngân sách Nhà nước nhưng khi đưa vào XHH thì người bệnh vẫn phải chi trả và như vậy là người bệnh và ngân sách đều phải chi cho một dịch vụ y tế.

Tiếp đó là đầu tư XHH trong y tế công sẽ kéo theo lạm dụng chỉ định: chụp chiếu, xét nghiệm vì phải làm như vậy mới có thể nhanh thu hồi vốn đầu tư, tăng lợi nhuận.... Mức độ lạm dụng phụ thuộc vào cái tâm và cách quản lý của từng giám đốc bệnh viện. Nhưng dù ở mức nào thì cuối cùng đều dẫn đến hậu quả là lãng phí tiền bạc, tài sản của người bệnh và của xã hội.

Đáng chú ý, khi có hai chế độ công và tư trong cùng một bệnh viện sẽ gây ra sự bất bình đẳng về mức độ phục vụ. 

Tiếp đó là đội ngũ bác sỹ, nhân viên y tế đều là người thuộc biên chế Nhà nước và đương nhiên đã hưởng lương, được đào tạo từ ngân sách Nhà nước.... Khi triển khai dịch vụ này không chỉ tạo ra mất cân bằng giữa bệnh viện công với tư mà tạo cả ra sự bất công giữa bệnh viện tuyến trung ương với tuyến tỉnh và giữa tuyến tỉnh với tuyến huyện, xã.

Từ thực tế trên, người chịu thiệt nhất cuối cùng vẫn là người dân, vì hiện nay đang có xu hướng là bác sỹ có năng lực không muốn làm việc ở tuyến xã, huyện vì ở đó không có dịch vụ tự nguyện, dịch vụ kỹ thuật cao và đương nhiên ở đó thu nhập sẽ thấp hơn tuyến T.Ư.

Đặc biệt, ngay trong mỗi bệnh viện cũng đã tạo ra sự bất công và nảy sinh mâu thuẫn vì những người có cùng trình độ nhưng được phân công làm ở những vị trí không liên quan đến dịch vụ tự nguyện thì cũng bị xem thường và có thu nhập thấp hơn, từ đó đã nảy sinh việc chạy chọt, tiêu cực.

Việc cho phép các bệnh viện làm dịch vụ ngay trên nền tảng cơ sở hạ tầng có sẵn và nguồn gốc của nó là tài sản nhà nước nhưng lại được thu tiền và chi cho cá nhân như hiện nay đã tạo ra một sự bất công.   

Một hình thức XHH rất phổ biến hiện nay (hầu hết các bệnh viện tỉnh và T.Ư đang áp dụng là liên kết với một hoặc một số công ty tư nhân đặt các loại máy chẩn đoán như chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ với tỷ lệ góp vốn từ 50/50 hoặc 70/30. Số tiền thu được cũng được ăn chia theo tỷ lệ như vậy, số tiền thu được từ loại hình liên doanh này là rất lớn, nhưng thực trạng công tác quản lý và sử dụng khoản tiền này thì lại cực kỳ... tùy hứng.

Mỗi bệnh viện áp dụng một kiểu khác nhau và nó cơ bản thoát ly khỏi sự giám sát của cơ quan tài chính và ngân sách nhà nước, nằm ngoài kiểm soát của luật giá và cuối cùng ngân sách thì thất thu còn người bệnh là người chịu trận.

Theo cơ cấu giá dịch vụ hiên nay người bệnh hoặc cơ quan BHYT chi trả 3/7 yếu tố cấu thành giá dịch vụ vì 4/7 yếu tố còn lại ngân sách Nhà nước đã bao cấp, vậy với những đơn vị y tế ngoài công lập không được bao cấp nhưng cơ quan BHYT cũng chỉ chi trả 3/7 yếu tố giống như ở các cơ sở y tế công lập  như vậy là không công bằng và chưa tạo ra động lực để y tế tư nhân phát triển.

Từ đó, hình thức liên doanh liên kết cần phải sớm chấm dứt, ít nhất là tại các bệnh viện lớn, vì đó chỉ là giải pháp tạm thời. Bệnh viện nào muốn mở rộng dịch vụ phải xin Nhà nước cho cơ sở bên ngoài để xây dựng. 

Hiện nay nhà nước đang có chủ trương khuyến khích phát triển y tế tư nhân thì việc rành mạch công, tư càng trở nên cần thiết vì chỉ có như vậy mới tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, sòng phẳng.

Về lâu về dài, để xây dựng một nền y tế văn minh, chúng ta cần xây dựng bốn hệ thống y tế rành mạch gồm:

Y tế từ thiện nhân đạo, là hệ thống y tế phi lợi nhuận do hội chữ thập đỏ hoặc các tổ chức tôn giáo tổ chức và đối tượng phục vụ ở đây là những người lang thang cơ nhỡ, những đối tượng đặc biệt khó khăn, không có khả năng chi trả.  

Y tế phúc lợi: Là hệ thống y tế được hình thành từ ngân sách và phục vụ nhóm người hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội và làm dịch vụ cho cơ quan BHYT nếu người bệnh BHYT có nhu cầu, phần phúc lợi thì sử dụng ngân sách Nhà nước, phần BHYT thì làm dịch vụ như một đơn vị kinh doanh đơn thuần.

Hệ thống y tế an ninh quốc phòng bao gồm các BV thuộc lực lượng vũ trang hoạt động phi lợi nhuận và chỉ phục vụ trong phạm vi công an, quân đội.

Hệ thống y tế thương mại bao gồm cả BV công và viện tư nhưng hoàn toàn phi ngân sách, tự hạch toán, tự chi trả vừa phục vụ bệnh nhân tự do vừa làm dịch vụ cho cơ quan BHYT.

Tóm lại, cũng như bất kỳ một lĩnh vực nào khác, việc đầu tư y tế cũng cần rành mạch, công ra công và tư  ra tư. Không nên để lẫn lộn như hiện nay vì như vậy sẽ  phát sinh tiêu cực và người chịu thiệt lúc nào cũng là Nhà nước và nhân dân.

Vụ nâng khống giá thiết bị y tế ở Bạch Mai 'móc túi' bệnh nhân hơn 10 tỷ

Vụ nâng khống giá thiết bị y tế ở Bạch Mai 'móc túi' bệnh nhân hơn 10 tỷ

Hệ thống robot hỗ trợ thần kinh ở Bệnh viện Bạch Mai, giá nhập khẩu chỉ 7,4 tỷ, các đối tượng câu kết nâng khống lên 39 tỷ đồng để đưa vào liên kết.

Luật sư Phạm Văn Học