Cuối tuần qua, đang thong dong đạp xe trên phố, tôi bỗng giật mình, loạng choạng tay lái vì tiếng còi hơi vang lên...

Cuối tuần qua, đang thong dong đạp xe trên phố, tôi bỗng giật mình, loạng choạng tay lái vì tiếng còi hơi vang lên đinh tai, nhức óc phía sau. Một chiếc xe tải phóng vụt qua, bỏ lại những tiếng cười nhạo báng phát ra từ cabin xe.

Đây không phải là lần đầu tiên tôi “gặp vấn đề” với còi xe. Tôi tự hỏi, sao người Việt mình lại thích bấm còi xe đến thế. Đi đường, có người đi cách phương tiện phía trước cả chục mét đã bấm còi inh ỏi. Người thì đèn xanh chưa sáng đã vội bấm còi giục người đứng trước, rồi thậm chí đang tắc đường, cũng bấm còi đòi… len lên. Hay hơn nữa thì bấm còi để… chào nhau.

{keywords}

Bấm còi xe vô tội vạ ở Việt Nam - Ảnh minh họa

Cách đây không lâu, tôi có dịp sang Thái Lan, đất nước mà vấn nạn tắc đường còn khủng khiếp gấp cả trăm lần Việt Nam. Song, giữa những làn xe nối đuôi nhau tưởng chừng như bất tận ấy, chỉ có tiếng động cơ ầm ì, tuyệt không có tiếng còi xe. Một người bạn Thái của tôi bảo: “Khi người Thái bấm còi xe tức là đã ức chế đến cực điểm rồi. Nên ở Thái Lan, có lẽ còi là bộ phận ít hỏng nhất trên xe, vì có mấy khi sử dụng đâu”.

Bấm còi xe cũng cần văn hóa. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh thêm, việc thiếu văn hóa, bấm còi vô tội vạ của một số người trong không ít trường hợp sẽ không chỉ đơn giản là “gây phiền toái cho người đi đường” mà thậm chí còn gián tiếp gây ra những tai nạn thương tâm, bởi không ít trường hợp người đi đường bị thương, thậm chí tử vong chỉ vì giật mình bởi tiếng còi hơi khủng phía sau mà ngã ra đường rồi bị xe đi sau cán qua.

Theo Giao thông