Thực chất số tiền phí dịch vụ này là tiền chênh ngoài của dự án.

Theo phản ánh của anh N.T.N. (nhà đầu tư), anh đang tìm hiểu mua một dự án đất nền tại khu vực Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Hiện dự án này đang được các sàn chào bán với mức giá hơn 100 triệu đồng/m2 đất nền tùy vị trí, diện tích. Anh N. cho biết, mỗi lô đất có diện tích 70-80 m2, có giá trị khoảng hơn 13 tỷ đồng (bao gồm cả tiền xây thô), việc nộp tiền sẽ được chia theo tiến độ 5 đợt.

Đáng chú ý, trong đợt 1, khách hàng đã phải chi trả 100% tiền đất tương đương khoảng 10 tỷ đồng. Những lần nộp tiền còn lại được chia làm 4 đợt cho đến khi dự án hoàn thành.

Tuy nhiên, anh N. cho biết, mặc dù chi trả với số tiền lớn nhưng khách hàng chỉ được ký vào văn bản đăng ký mua nhà ở trong đó có nội dung chi tiết về diện tích, số ô, số tiền mua… Kèm theo văn bản này, là một bản phụ lục ghi nhận “phí dịch vụ” với nội dung: “Người mua đồng ý trả cho bên môi giới mức phí cho toàn bộ dịch vụ theo quy định là 10,8 tỷ đồng. Thời điểm thanh toán Phí dịch vụ: Trả sau khi văn bản thỏa thuận được chấm dứt hoặc thanh lý. Trường hợp khách hàng đã ký được hợp đồng mua bán với chủ đầu tư, khách hàng sẽ được miễn phí toàn bộ phí dịch vụ môi giới".

{keywords}
Tiền phí dịch vụ lên tới 10,8 tỷ đồng. (Ảnh: Khánh An).

Tại một dự án đất nền khác tại Thái Nguyên, các sàn giao dịch bất động sản công khai thu thêm khoảng 100-300 triệu đồng tiền phí môi giới. Theo phản ánh của anh N.T.Đ., giá bán 1 lô đất liền kề tại dự án này 5 triệu đồng/m2. Nhưng, khách hàng phải trả thêm khoảng 100-300 triệu đồng. Số tiền thu này sẽ không ghi trong hợp đồng mua bán và xuất hoá đơn ngoài là phí dịch vụ môi giới, đồng thời người mua phải nộp một lần trực tiếp cho đơn vị phân phối.

Theo các nhà đầu tư, hiện tượng các sàn giao dịch “bắt tay” với chủ đầu tư để lách luật huy động vốn dưới hình thức đơn đăng ký mua đất nhưng thu phí dịch vụ bằng giá trị cả một lô đất thì quả là xưa nay hiếm thấy.

Bản chất của việc này rất có thể là do dự án chưa đủ điều kiện để bán hàng nhưng chủ đầu tư đói vốn, yếu kém về tài chính nên phải huy động vốn từ khách hàng. Tuy nhiên, với những khách hàng hiểu biết thì khó có thể “lừa” được họ ký vào các văn bản thỏa thuận như vậy. Vì số tiền bỏ ra quá lớn trong khi các điều khoản tất cả rủi ro đẩy về phía khách hàng. Nhất là trong thời điểm này, khi các dự án bất động sản đang khó thanh khoản.

{keywords}
Chuyên gia cảnh báo người mua cẩn trọng với các giao dịch chênh cả chục tỷ đồng. (Ảnh minh họa: Ngọc Vy) 

Luật sư Phùng Viết Vĩnh, đoàn Luật sư TP Hà Nội cảnh báo người mua nhà nên thận trọng với những giao dịch bất động sản có giá chênh cao bất thường bởi điều này có thể tạo nên các rủi ro như khó đòi lại tiền nếu dự án gặp khó khăn trong quá trình triển khai. Hơn nữa, nếu vì mục đích lách thuế của chủ đầu tư, theo ông Vĩnh, cũng có thể tạo ra những rủi ro khác khi dự án bị thanh tra, người mua chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho biết, nhiều doanh nghiệp, đầu nậu, cò đất đã lợi dụng hình thức đặt cọc giữ chỗ, góp vốn đầu tư, hợp tác đầu tư.. để "lách luật" huy động vốn trái phép, bán bất động sản hình thành trong tương lai.

Bởi, xét thực tế, đầu tư bất động sản đòi hỏi vốn lớn và khách hàng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nếu đợi đến lúc hoàn thành phần móng mới bán hàng, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn trong xoay sở nguồn vốn. Vì lẽ đó, tại nhiều dự án mặc dù chưa đủ điều kiện mở bán theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư vẫn rao bán rầm rộ, nhận đặt cọc giữ chỗ trước khi chính thức ký hợp đồng mua bán. Đặc biệt nhiều dự án dù chưa xong pháp lý nhưng đã huy động tiền từ khách hàng lên tới 70%.

Để làm được điều này một số chủ đầu tư tự soạn thảo hợp đồng đặt cọc, góp vốn đầu tư tư, hợp tác đầu tư dự án... thay vì hợp đồng mua bán. Các hợp đồng này là phương thức phổ biến nhằm huy động được vốn làm hạ tầng, vừa bán được dự án khi chưa đủ điều kiện.

(Theo VTC News)