- Bài toán cung - cầu không gặp nhau khi sinh viên ra trường không kiếm được việc làm, còn doanh nghiệp khát nhân lực được đặt ra tìm lời giải tại hội thảo khoa học "Đổi mới công tác đào tạo nhân lực cho các khu công nghiệp và khu chế xuất ở Việt Nam" sáng 4/8.

Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực, Bộ GD-ĐT và tỉnh ủy Vĩnh Phúc đồng tổ chức.

Doanh nghiệp bí thông tin

Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương Vũ Thị Kim Hằng đem đến hội thảo thực tế, trong những năm qua việc tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp hầu hết do các doanh nghiệp tự tuyển qua nhiều hình thức như: sàn giao dịch việc làm, Trung tâm giới thiệu việc làm, Thông báo tuyển dụng rộng rãi trên website, ở cổng các khu công nghiệp, qua các mối quan hệ của người lao động đã làm việc tại các doanh nghiệp. Có một số doanh nghiệp đã tổ chức tuyển dụng đến tận các huyện xa trung tâm của các tỉnh Thanh Hóa, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang....

Theo bà Hằng, dù gần đây việc sử dụng lao động tại các doanh nghiệp ổn định hơn. Tỷ lệ lao động dịch chuyển giảm từ 50% năm 2011 xuống còn 37% năm 2014 nhưng các khu công nghiệp ở Hải Dương vẫn đang đối mặt với một số tồn tại, khó khăn cần khắn phục đối với lao động.

{keywords}

Cụ thể, do thiếu năng lực chuyên môn và một số kỹ năng của từng doanh nghiệp, một số lao động đã qua đào tạo trình độ ĐH, CĐ không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng....

"Để có việc làm, không ít sinh viên tốt nghiệp trình độ ĐH, CĐ đã dự tuyển vào các vị trí công việc chỉ yêu cầu lao động phổ thông, không sử dụng đến trình độ chuyên môn đã được đào tạo" - bà Hằng nêu thực tế.

Phó Trưởng ban Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Ngô Chí Hùng nêu bất cập, thực tế các doanh nghiệp sử dụng lao động qua đào tạo của các trường rất ít, trong khi tỷ lệ lao động có tay nghề phổ thông chiếm đến 70%. Lý do được ông Hùng lý giải, các doanh nghiệp muốn tuyển dụng lao động phổ thông để trả lương thấp....

Theo TS Phan Mạnh Cường, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp Thái Nguyên, nguyên nhân là do quản lý nhà nước về phát triển nhân lực còn nhiều bất cập. Hệ thống giáo dục trong đào tạo phát triển nhân lực còn bộc lộ nhiều hạn chế như: Công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ THCS, THPT chưa tốt. Mặt khác, công tác đào tạo nghề chưa thực sự dựa trên nhu cầu xã hội, chưa gắn kết được giữa cơ sở đào tạo với các đơn vị sử dụng lao động. Đội ngũ giảng viên còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn nghiệp vụ...

Cần đưa doanh nghiệp vào trường học

"Một trong những giải pháp có tính đột phá là đưa doanh nghiệp trở thành một trong những chủ thể tham gia đào tạo nghề" - ông Ngô Chí Hùng đề xuất mô hình liên kết doanh nghiệp và nhà trường. Thay vì doanh nghiệp đứng ngoài, thụ động thì họ cần chủ động tích cực tham gia vào hệ thống đào tạo với vai trò là nhà đầu tư, đồng thời là đối tác khách hàng cho chính sản phẩm của mình.

Ông Hùng nói, mô hình "trường trong doanh nghiệp" được triển khai từ lâu ở nhiều nước công nghiệp nên cần học tập.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Văn Học cho rằng, hiện cơ sở pháp lý quan trọng đã ban hành là Luật Giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, chưa có chế tài doanh nghiệp phải hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề. Và doanh nghiệp đang thực hiện theo Luật Doanh nghiệp.

Ông Học đặt vấn đề cần phải định hướng lại để tránh lãng phí: Ở nước ta thường học xong ĐH rồi bảo quay lại học thêm ngành nghề gì đó để hành nghề cho doanh nghiệp thì cho rằng yếu thế, không ổn. Trong khi một số nước trên thế giới việc học thêm một ngành nghề đáp ứng nhu cầu là chuyện bình thường. Ví dụ như Canada có khoảng 4% sinh viên trường CĐ đã tốt nghiệp ĐH... 

{keywords}

"Chúng ta đã có Luật, Nghị định - giờ phải thay đổi phương pháp đào tạo, thay đổi nội dung chương trình, cách tuyển sinh, quản lý, trang thiết bị, thực hành thí nghiệm...để đào tạo bắt kịp với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội" - ông Học mong muốn. Nên mời các doanh nghiệp tham gia vào các khâu soạn thảo chương trình, tham gia tuyển sinh, chấm thi tốt nghiệp...Vì không có sự tham gia của doanh nghiệp trong công tác soạn thảo chương trình, tuyển sinh chấm thi nên khi ra trường doanh nghiệp không nhận, chê không đáp ứng nhu cầu.

Theo ông Học, cần tăng cường đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp, đào tạo theo đặt hàng của các doanh nghiệp - tiến tới đào tạo tại chỗ thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp đưa ra.

Ông Ngô Chí Dũng đề xuất, các bộ ngành cần có các chính sách khảo sát, đánh giá toàn diện về phát triển quy hoạch, định hướng đào tạo đi trước một bước trong vấn đề phát triển nguồn nhân lực cho xã hội nói chung và khu công nghiệp nói riêng....

Để lao động Việt không thua trên sân nhà?

Tiếp nhận các đề xuất, ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương khái quát, các cơ sở sản xuất hiện thiếu nhiều lao động, trong khi chưa phát triển lắm. Và nếu các cơ sở phát triển nữa thì sẽ thiếu nhiều lao động nữa.

Trong khi đó, sinh viên ra trường thì thất nghiệp, không kiếm được việc làm lên đến hàng trăm ngàn. Chỉ tính riêng khảo sát khu công nghệ phần mềm tính toán đến năm 2020 thiếu 400.000 lao động. Nhu cầu tuyển dụng là có - nhưng khi các trường đào tạo ra chỉ tuyển được 5%, còn 95% không đảm bảo nhu cầu.

Vì sao cung - cầu không gặp nhau? Nguyên nhân theo ông Hoàng, đào tạo chưa bám sát đầu ra. Vấn đề kết nối giữa đào tạo và doanh nghiệp chưa tốt.

Khi mở cửa hội nhập - lao động nước ngoài vào Việt Nam, lương cao hơn. Khi đó, ưu thế về lao động giá rẻ sẽ không còn nữa. Trong khi đó, lao động Việt Nam nếu như không đổi mới đào tạo thì sẽ càng thiệt thòi và sẽ thua ngay trên sân nhà.

Vấn đề đặt ra trong đổi mới giáo dục là phải gắn đào tạo với sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là phải tạo ra những con người trong thời đại công nghiệp.

Giải pháp tổng thể được ông Hoàng đưa ra là phải kết nối giữa đào tạo và doanh nghiệp. Cụ thể, tổ chức thông tin về nhu cầu lao động, số lượng, cơ cấu, dự báo được quan hệ cung - cầu.

Đổi mới chương trình đào tạo cả nội dung và phương thức đào tạo. Ngay từ nửa năm đầu của lớp 10 đề nghị trong chương trình giáo dục giới thiệu cho học sinh phổ thông biết được đặc điểm của nghề nghiệp. Hiện nay, trong các trường THPT chưa có ông thầy nào có thể giải đáp cho học sinh các câu hỏi về định hướng nghề nghiệp. Do đó, trong đổi mới cần chuẩn bị những người có thể giới thiệu được cho các em về đặc điểm của nghề nghiệp các em chọn.

Mời các nhà quản lý của các KCN, các tập đoàn đến nói cho các em ngay từ đầu cấp 3 phải có cách tiếp cận về nghề - từ đó liên quan đến các môn học của các em.

Đổi mới nội dung đào tạo các trường nghề, CĐ, TCCN, CĐ nghề, ĐH - trong đó kiến thức nền chỉ chiếm khoảng 1/3 thời gian. Tất cả các trường nên đưa vào chương trình sự chuẩn bị tinh thần cho các em không phải học ra chỉ xin việc không thôi mà phải chuẩn bị cho các em với những em học khá có thể tính toán khi ra trường có khả năng tổ chức công việc để lập nghiệp, để khởi nghiệp - có thể tổ chức lao động cho nhiều người chứ không phải chỉ đi xin việc.

Những kiến thức nền như vậy trang bị cho sinh viên không quá 1/3 thời gian. 2/3 thời gian còn lại giải quyết vấn đề kỹ năng, năng lực cụ thể cho người học.

Trong phần trang bị kiến thức nền thì phần nhiều là giáo viên cơ hữu là chủ yếu. Nhưng đến phần giải quyết năng lực cụ thể thì nên sử dụng nhiều giáo viên không cơ hữu.

Một giải pháp về thiết kế hệ thống ông Hoàng nêu ra để Bộ GD-ĐT phối hợp giải quyết để tạo thêm đường lên ĐH cho học sinh học trung cấp nghề.

Cụ thể, với những học sinh học hết lớp 10 đi học nghề 2 năm được công nhận tương đương như học sinh tốt nghiệp THPT. Như vậy, những học sinh theo hệ này muốn học tiếp ĐH thì vẫn thiết kế bổ sung kiến thức nền tảng, rút ngắn thời gian đào tạo ở các trường ĐH - chứ không phải đi học nghề là cụt đường học lên. Tất nhiên hệ này là ĐH chuyên nghiệp. Còn tốt nghiệp lớp 12 đi lên là ĐH nghiên cứu.

Ngoài ra, cần lưu ý đến việc thiết kế liên thông giữa TC - CĐ - ĐH và liên thông giữa các nghề, liên thông giữa các loại trường. Theo ông Hoàng, vấn đề liên thông hiện nay đang bị cắt khúc, trong đó có phần do nhiều bộ quản lý dẫn đến cắt khúc.

  • Nguyễn Hiền